Trong quá trình hoạt động cách mạng, lãnh đạo đất nước, bằng những lời lẽ cao quý nhất, trang trọng, gần gũi, giản dị và tha thiết nhất, Người đã gửi nhiều bức thư, bức điện, hay thông qua những bài nói, bài viết, trả lời phỏng vấn… để ca ngợi tinh thần bất khuất, kiên cường cũng như lòng yêu nước sâu sắc của đồng bào, chiến sĩ miền Nam.
Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp kéo vào Sài Gòn gây hấn, tái chiếm Việt Nam. Với tinh thần "độc lập hay là chết", nhân dân Nam Bộ đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai. Trước khí thế chiến đấu kiên cường, anh dũng của quân và dân Nam Bộ chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng cho quân và dân Nam Bộ danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc”.
Đến đầu năm 1946, tình hình đất nước hết sức phức tạp, khó khăn chồng chất về mọi mặt, về đối ngoại, nước ta nằm trong vòng vây của các thế lực thù địch trong và ngoài nước đang lăm le để lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ vừa mới thành lập. Ở miền Nam, cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ diễn ra quyết liệt. Ngày 28/2/1946, Hiệp ước Hoa - Pháp được ký kết, Pháp và Tưởng đã bắt tay với nhau để đổi lấy một số quyền lợi của chúng ở nước ta. Trước tình thế gay go, quyết liệt, đòi hỏi những hành động tỉnh táo, đúng đắn, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã ra chủ trương, quyết sách lịch sử hết sức sáng suốt là “Hòa để tiến”. Trên cơ sở những cuộc thương lượng và sự nhân nhượng có nguyên tắc, 16 giờ 30 phút chiều ngày 6/3/1946, Hiệp định Sơ bộ giữa đại diện chính phủ Pháp và đại diện Việt Nam được ký kết tại Hà Nội. Theo Hiệp định, nước Pháp công nhận Việt Nam DCCH là một quốc gia tự do, có Chính phủ, Quốc hội, quân đội và tài chính riêng, nằm trong Liên bang Đông Dương thuộc Khối Liên hiệp Pháp và cam đoan thừa nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề thống nhất ba kỳ; nước Việt Nam đồng ý để 15.000 quân Pháp vào Bắc Việt Nam thay thế quân đội Trung Hoa và sẽ rút hết sau 5 năm; hai bên đình chiến để mở cuộc đàm phán chính thức, trong khi đàm phán, quân đội hai bên giữ nguyên vị trí... Mặc dù phía Pháp chưa công nhận nền độc lập của Việt Nam, song bản Hiệp định đã tạo cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh ngoại giao của Nhà nước Việt Nam DCCH trên trường quốc tế. Với chính sách mềm dẻo trong sách lược, cứng rắn trên nguyên tắc, Hiệp định Sơ bộ là bước đi cần thiết để tranh thủ thời gian, tạo cơ sở, nền tảng củng cố vững chắc nền độc lập và nội lực. Sau Hiệp định Sơ bộ, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân ta nghiêm chỉnh chấp hành những điều khoản của Hiệp định và kiên trì đấu tranh đòi Pháp thi hành những điều khoản của Hiệp định. Trong khoảng thời gian này, giữa Việt Nam và Pháp có những buổi gặp gỡ, thảo luận để tiến tới cuộc đàm phán chính thức tại Pháp.
Tháng 5/1946, trước khi lên đường đường sang thăm nước Cộng hòa Pháp theo lời mời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sắp xếp, bàn giao công việc, Người đã giao Cụ Huỳnh Thúc Kháng vai trò quyền Chủ tịch nước. Để trấn an tinh thần và củng cố niềm tin của đồng bào ở miền Nam - nơi đang diễn ra cuộc kháng chiến khốc liệt chống thực dân Pháp và trong tình hình đất nước hết sức phức tạp về mọi mặt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào Nam Bộ. Bức thư viết tay tại Hà Nội vào sáng ngày 31/5/1946, trên nền giấy mầu vàng. Phần đầu Bức thư hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông tài liệu sưu tầm, hồ sơ 13, tờ 01.
|
Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Nam Bộ trước khi sang Pháp đàm phán, năm 1946.
Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông tài liệu sưu tầm, hồ sơ 13, tờ 01.
|
|
|
Mở đầu bức thư, Người nhận định và thấu hiểu tâm tư của đồng bào miền Nam: “được tin tôi cùng phái đoàn đại biểu qua Pháp để mở cuộc đàm phán chính thức, đồng bào cả nước, nhất là đồng bào Nam Bộ, đều lấy làm bâng khuâng. Bâng khuâng là vì chưa biết tương lai của Nam Bộ sẽ ra thế nào?
Người khuyên nhủ đồng bào cứ bình tĩnh và khẳng định: “Tôi xin hứa với đồng bào rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước. Đồng bào Nam Bộ đã hy sinh tranh đấu mấy tháng trường, để giữ gìn non sông cho toàn nước Việt Nam. Cho nên đồng bào cả nước đều phải nhớ ơn đồng bào Nam Bộ. Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn. Song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”(1)
Người khuyên nhủ: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi, năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, người thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tinh thần thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang...”(2)
Với những câu từ súc tích, bức thư của Bác gửi đồng bào Nam Bộ trước khi lên đường sang Pháp vào năm 1946 là sự thể hiện phần nào tấm lòng của Bác, những tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của Bác với đồng bào Nam Bộ, cũng là sự thể hiện tư tưởng của Bác về sự đoàn kết toàn dân và sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Sau này, suốt những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Bác cũng luôn trăn trở, hướng về miền Nam với một tình cảm bao la, Nam Bộ luôn trong trái tim của Người. 70 năm trôi qua, nội dung bức thư vẫn còn nguyên giá trị, là sự thể hiện không chỉ tinh thần đoàn kết dân tộc, Nam Bắc mà còn là sự kết tinh của truyền thống dân tộc theo tư tưởng của Người mà nhân dân Việt Nam cần đời đời gìn giữ. Nhân kỷ niệm 126 năm ngày sinh của Người và tròn 70 năm bức thư ra đời, chúng tôi xin được trân trọng giới thiệu đến quý độc giả nội dung thư.
Thiên Lý – Trung tâm Lưu trữ quốc gia III
Chú thích:
1.Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông tài liệu sưu tầm, hồ sơ 13, tờ 01.
2.Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, 1945 – 1947, tr 432 – 433.
Nhận xét
Đăng nhận xét