Từ
Chủ nghĩa yêu nước đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường
cứu nước, xác định đường lối đúng đắn cho cách mạng Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí
Minh từng bước hình thành, phát triển. Đến những năm 1925,1926 của thế kỷ XX đã
đi vào phòng trào công nhân, phong trào yêu nước, thông qua những người yêu
nước tiên tiến được Hồ Chí Minh đào tạo, đã làm cho phong trào phát triển căn
bản về chất, chính phong trào cách mạng phát triển đó đòi hỏi sự ra đời của
Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, thì tư tưởng Hồ Chí
Minh đã đi vào đường lối của Đảng, được thể hiện trước hết ở Cương lĩnh đầu
tiên của Đảng (Chính cương vắn tắt, sách lược vắn tắt) do Nguyễn ái Quốc khởi
thảo, được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng. Dù rất vắn tắt, mỗi văn kiện
chỉ có hơn 1 trang nhưng đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam đã rõ ràng,
sách lược của cách mạng Việt Nam đã đúng đắn. Những tư tưởng đó ngày càng được
bổ sung, phát triển và được quán triệt trong đường lối của Đảng, nhất là từ năm
1941, khi Người trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Tại Hội nghị TW
lần thứ 8 (5/1941), những tư tưởng của Người về chuyển hướng chỉ đạo chiến lược
quan trọng đã chỉ đạo làm cho cách mạng tháng Tám 1945 giành thắng lợi. Những
quan điểm, tư tưởng của Người đã đi vào đường lối chiến lược, sách lược của
Đảng trong thời kỳ bảo vệ chính quyền và kháng chiến chống Pháp thắng lợi.
Tại
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2/1951) đã khẳng định: “đường
lối chính trị, nề nếp làm việc và đạo đức cách mạng của Đảng ta hiện nay là
đường lối tác phong và đạo đức của Hồ Chí Minh...Toàn Đảng hãy ra sức học tập
đường lối chính trị, tác phong và đạo đức cách mạng của Hồ Chủ tịch. Sự học tập
ấy là điều kiện tiên quyết làm cho Đảng mạnh và làm cho cách mạng đi mau đến
thắng lợi hoàn toàn” [1].
Vào
những năm 50 của thế kỉ XX, Đảng ta chưa đặt hẳn vấn đề tư tưởng Hồ Chí Minh
nhưng đã nhấn mạnh đến đường lối chính trị của Hồ Chí Minh. Thực chất đây là
phần chủ yếu nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh, đã được Đảng ta nghiên cứu, học
tập, vận dụng và đưa vào đường lối của Đảng. Từ những năm 50 trở đi, công tác
nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh được đặt ra và mở rộng. Nhân kỷ niệm
70 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/1960), đồng chí Trường
Chinh đã viết: “Nhân dịp này chúng ta hãy ôn lại tiểu sử và sự nghiệp của Hồ
Chí Minh, tìm hiểu, học tập tư tưởng, đạo đức và tác phong của Người để phục vụ
Đảng, phục vụ nhân dân tốt hơn” [2].
Sau
khi Hồ Chí Minh đi theo các cụ C.Mác, Lênin thì việc nghiên cứu về Hồ Chí Minh
được mở rộng. Các nhà khoa học, các nhà hoạt động chính trị, giáo dục, văn hóa
xã hội, nghệ thuật đã tham gia ngày càng nhiều. Nhiều nhà nghiên cứu người nước
ngoài cũng quan tâm nghiên cứu.
Tại Đại hội Đại biểu toàn
quốc lần thứ V của Đảng (3/1982) đã xác định: “Đảng phải đặc biệt coi trọng
việc tổ chức học tập một cách có hệ thống tư tưởng, đạo đức, tác phong của Chủ
tịch Hồ Chí Minh trong toàn Đảng” [3]. Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh đã chính
thức được đặt trong văn kiện Đại hội của Đảng, đồng thời toàn Đảng phải ra sức
học tập một cách có hệ thống. Từ đó, việc nghiên cứu học tập tư tưởng Hồ Chí
Minh được đẩy mạnh, có cả các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế. Đặc
biệt, nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1990, Unessco
đã vinh danh Hồ Chí Minh danh hiệu kép: Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn
hóa kiệt xuất.
Tại
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (6/1991), Cương lĩnh xây dựng
đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội xác định: “Đảng lấy chủ
nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minhh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho
hành động” [4]. Việc xác định như vậy của Đảng ta là một bước phát triển hết
sức quan trọng trong nhận thức và tư duy lý luận của Đảng ta. Từ khi ra đời,
Đảng ta luôn khẳng định chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam
cho hành động của mình. Đến Đại hội VII đã nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng
thời xác định: “tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn cách mạng nước ta,
phù hợp với tình cảm và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân ta” [5]. Bước phát
triển trong nhận thức của Đảng ta thể hiện: từ chỗ đặt vấn đề học tập đường lối
chính trị, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh (1951), học tập tư tưởng, đạo đức,
tác phong Hồ Chí Minh (1960) đến khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ
nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Do
đó, Đại hội VII của Đảng đã đưa ra phương hướng nghiên cứu, học tập, vận dụng
những tư tưởng của Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới. Thực hiện chủ trương
đó, công tác nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh được mở rộng quy mô lớn. Với những
kết quả nghiên cứu đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng
(2001), Đảng ta đã đưa ra khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh một cách khá đầy đủ và
mở rộng: Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về
những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát
triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và
phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn
hóa nhân loại...Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân
ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta. Khái
niệm này đã xác định nguồn gốc lý luận của tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó, quan
trọng nhất, giữ vai trò quyết định nhất là chủ nghĩa Mác-Lênin; xác định các
nội dung tư tưởng, giá trị, ý nghĩa tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời tiếp tục
đẩy mạnh nghiên cứu, học tập, vận dụng vào thực tiễn sự nghiệp đổi mới, đẩy
mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đất nước theo định hướng xã hội
chủ nghĩa.
Sau
10 năm thực hiện từ Đại hội lần thứ IX (2001) đến Đại hội lần thứ XI của Đảng
(2011), tổng kết thực tiễn, Đảng ta tiếp tục khẳng định giá trị và ý nghĩa tư
tưởng Hồ Chí Minh. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên
CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã tiếp tục khẳng định: “Thắng lợi của công
cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, đưa
đất nước tiếp tục từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội với những nhận thức và
tư duy mới đúng đắn, phù hợp thực tiễn Việt Nam”. Đồng thời đã đưa ra những bài
học lớn, trong đó, bài học thứ năm là: “Đảng phải nắm vững, vận dụng sáng tạo
và góp phần phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, không ngừng làm giàu trí tuệ, bản
lĩnh chính trị và năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn
cách mạng đặt ra” [6]. Tại Đại hội lần này, Đảng ta tiếp tục đưa ra khái niệm
tư tưởng Hồ Chí Minh ở tầm khái quát cao hơn: vẫn tiếp tục khẳng định tính hệ
thống của tư tưởng Hồ Chí Minh ở tầm khái quát triết học bao gồm các luận điểm,
quan điểm, quan niệm được xây dựng dựa trên cơ sở thế giới quan Mác-Lênin và
thực tiễn Việt Nam; khẳng định nguồn gốc lý luận tư tưởng Hồ Chí Minh mà Đại
hội IX đã đưa ra. Nhưng không xác định các nội dung cụ thể mà khẳng định tư
tưởng Hồ Chí Minh là “di sản tư tưởng và lý luận vô cùng to lớn và quý giá của
Đảng và dân tộc ta”. Bởi vậy, là cơ sở lý luận rất quan trọng cho sự nghiệp
cách mạng ở nước ta. Trong khái niệm còn nhấn mạnh giá trị, ý nghĩa tư tưởng Hồ
Chí Minh rằng “mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành
thắng lợi.
Như
vậy, tư duy lý luận và nhận thức của Đảng ta về tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng
đầy đủ hơn khi khẳng định: “tư tưởng Hồ Chí Minh là di sản tư tưởng và lý luận
vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta”. Do vậy, đòi hỏi Đảng ta phải
tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, học tập và vận dụng vào thực tiễn sự nghiệp đổi
mới.
Quán
triệt quan điểm của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng ở trường
Chính trị, trong giảng dạy bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng, các môn học
nói chung, cần phải nghiên cứu sâu, nắm chắc quan điểm, nhận thức của Đảng ta
về tư tưởng Hồ Chí Minh, gồm cả nội hàm của khái niệm với tư cách là di sản tư
tưởng và lý luận của Đảng và của dân tộc ta. Do vậy các môn học ,các chuyên đề,
giảng dậy cho các chương trình học phải nghiên cứu vận dụng cho phù hợp. Đặc
biệt là giá trị, ý nghĩa tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp đổi mới hiện
nay, mãi mãi về sau. Vận dụng một cách sáng tạo trong các bài giảng của môn tư
tưởng Hồ Chí Minh cũng như các môn học khác vì tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng
tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và dân tộc ta.
________________________________________
[1] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc
lần thứ II, Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng TW, HN-1965, tr.15
[2] Trường Chinh: Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng
Việt Nam, Nxb Thông tin lý luận, HN-1991, tr.20
[3] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc
lần thứ V, Nxb Sự thật, HN-1982, tr.61
[4] ĐCSVN: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong
thời kỳ quá độ lên CNXH, Nxb Sự thật, HN-1991, tr.21
[5] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc
lần thứ VII, Nxb Sự thật, HN-1991, tr. 127-128
[6] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc
lần thứ XI, Nxb CTQG, HN-2011
Theo Đặng Đình Chiến
Nhận xét
Đăng nhận xét