Chuyển đến nội dung chính

BÁC HỒ VỚI THẾ HỆ TRẺ




Làm thư ký cho Bác đã hai mươi bốn năm, có bao giờ anh thấy Bác tự cho mình là một "ông già" không? Và Bác đã làm gì để chống lại tâm lý "ông già" ấy?

Hỏi chuyện đồng chí Vũ Kỳ
Võ Văn Trực thực hiện

Làm thư ký cho Bác đã hai mươi bốn năm, có bao giờ anh thấy Bác tự cho mình là một "ông già" không? Và Bác đã làm gì để chống lại tâm lý "ông già" ấy?

Như tất cả các cụ già Việt Nam, Bác cũng muốn có cái thú vui bình dị của tuổi già như Bác đã thể hiện trong thơ: Xách bương, dắt trẻ ra vườn tưới rau. Nhưng ở Bác, tôi không bao giờ thấy bộc lộ tâm lý mệt mỏi của một "ông già". Chắc đồng chí còn nhớ bài thơ của Bác:

Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm,
Vẫn vững hai vai việc nước nhà.
Kháng chiến dân ta đang thắng lớn,
Tiến bước, ta cùng con em ta!

Xuất xứ của bài thơ là thế này. Sáng 20 tháng 5 năm 1968, Bác dậy sớm hơn để chuẩn bị 6 giờ 15 tới dự kỳ họp khai mạc của Quốc hội. Vào hội trường, với tư thế trẻ trung và hóm hỉnh, Bác nói: Lần trước tôi có nói là những thắng lợi của chiến sĩ và đồng bào hai miền làm cho tôi như trẻ lại 20 tuổi. Nhưng nay nghe nói 78 tuổi, thì tôi thấy già đi. Vì vậy tôi có bài thơ này: "Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm...". Cả hội trường sôi động hẳn lên. Các đại biểu Quốc hội ai cũng cảm thấy cùng trẻ lại với Bác.

Từ khi bước chân vào hoạt động cách mạng cho đến lúc từ giã cuộc đời, Bác luôn luôn quan tâm đến thế hệ trẻ. Năm 1925, Bác đã lo đào tạo nhân tài trẻ bằng cách gửi Lê Hồng Phong, Trương Văn Lễnh sang học trường quân sự Hoàng Phố, gửi Trần Phú và một số thanh niên khác sang học trường đại học Phương Đông ở Mát-xcơ-va. Các cháu thiếu niên, nhi đồng, Bác cũng chú ý nhiều. Đó là những cháu ở Trung Kỳ phải sống lưu lạc vì bố mẹ bị thực dân Pháp bắt bớ, tù đày, được Bác đưa từ Phi Chít (Thái Lan) sang Quảng Châu để tổ chức thành nhóm "Thiếu niên tiền phong Việt Nam". Năm 1926, Bác đưa một số cháu sang học ở Liên Xô kèm theo bức thư gửi Uỷ ban Trung ương Đội Thiếu niên tiền phong trực thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Lê-nin: "... Khi chúng tôi nói cho các em nghe về Lênin, về các bạn, những học trò nhỏ Nga của Lê-nin, các em rất thích và muốn đến nước các bạn để gặp các bạn, sống với các bạn, học tập các bạn, và thật sự trở thành những học trò của Lê-nin như các bạn... 

Chúng tôi hy vọng rằng các đồng chí không từ chối nhận ba hoặc bốn đồng chí nhỏ tuổi Việt Nam chứ?" Thật là cảm động, Bác lo cho các cháu những điều rất nhỏ, được viết trong lá thư: "... Vào tháng mấy thì ở Mát-xcơ-va bắt đầu lạnh (vì các em thiếu niên này từ một nước nóng bức tới, phải chọn lúc thời tiết thích hợp cho các em đi)... Đến Mát-xcơ-va, các em tới địa chỉ nào?..."

Khởi đầu lịch sử Đảng ta cũng là do lực lượng thanh niên được Bác dìu dắt. Hồi đó, Bác đã tổ chức "Thanh niên cách mạng đồng chí hội" và tự tay Bác soạn thảo cuốn "Đường kách mệnh" để giảng dạy.

Năm 1961, trong Đại hội lần thứ ba của Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam, Bác vui mừng nói: "Từ chỗ chỉ có một Lý Tự Trọng đến ngày nay chúng ta có 78 vạn đoàn viên Đoàn thanh niên lao động hăng hái ra sức giúp Đảng xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất Tổ quốc. Tiến bộ đó làm cho Bác rất vui sướng và trẻ lại. Nó làm cho lòng Bác phơi phới như hoa nở trong mùa xuân".

Theo anh, trong tất cả các tổ chức của tuổi trẻ, Bác chú ý đến tổ chức nào nhất?

Tất cả các hình thức tổ chức để tập hợp thanh niên, thiếu niên, nhi đồng nhằm phụng sự Tổ quốc, Bác đều chú ý, quan tâm giáo dục để tổ chức đó ngày càng vững mạnh. Trong đó tổ chức thanh niên xung phong được Bác đặc biệt quan tâm. Bài hát truyền thống của Thanh niên xung phong cũng là bài ca chính thức của Đoàn thanh niên bây giờ, được nhạc sĩ Hoàng Hà phổ nhạc bốn câu thơ của Bác:

Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền,
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên!

Trên đường đi chiến dịch Biên giới, ghé thăm một lán trại thanh niên xung phong làm đường, Bác trò chuyện thân mật rồi hỏi "Các cháu có thích nghe thơ không?". Tất cả đồng thanh: "Chúng cháu thích nghe thơ ạ". Thế là Bác ứng khẩu đọc bốn câu thơ này. Ngay sau đó, nhiều thanh niên xung phong và cả bộ đội Vệ quốc đoàn đều truyền cho nhau và học thuộc trong chiến dịch Biên giới.

Về tổ chức thanh niên xung phong, Bác nói với tôi: "qúy hồ tinh, bất quý hồ đa, lựa tuyển cẩn thận để thanh niên xung phong thật sự là một trường đào tạo thanh niên bằng những công việc thiết thực". Bác trực tiếp xem và sửa chữa bản điều lệ về nhiệm vụ và bổn phận của Đoàn thanh niên xung phong.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Bác theo dõi rất sát các hoạt động của thanh niên xung phong, kịp thời viết bài, nêu gương những điển hình tốt và gửi thư khen các đơn vị thanh niên xung phong có nhiều thành tích trong xây dựng và chiến đấu.

Tháng 5 - 1968, trong phần viết thêm vào Di chúc, có đoạn: "Những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta".
Như vậy, Bác xem tổ chức Thanh niên xung phong không chỉ để làm những việc cụ thể như đắp đường, xây cầu, khai hoang..., mà còn là một trường học để rèn luyện và đào tạo cán bộ tốt cho đất nước. Nếu không nhận thức đầy đủ như vậy tức là chưa thấu hiểu được lời dạy của Bác đối với thanh niên xung phong.

Là người được thường xuyên gần gũi Bác, chắc anh thấy rất rõ sự quan tâm bồi dưỡng và giáo dục thế hệ trẻ được thể hiện trong công việc và sinh hoạt thường ngày của Bác?

Một lần, Bác đi công tác xa hơn một tháng, lúc trở về, Bác lại ngồi bên cầu ao vỗ tay gọi cá đến để cho ăn. Hôm ấy Bác không thấy con cá gáy vây đỏ đến ăn. Bác hỏi tôi. Tôi không biết trả lời thế nào. Tối, tôi hỏi anh em, được biết không ai câu cả. Khoảng mười ngày sau, ngồi bên Bác cho cá ăn, Bác bảo: "Kìa, chú coi, con cá gáy vây đỏ miệng đỏ đã đến rồi đấy". Rồi Bác nói thêm: "Các chú ở nhà chắc không cho cá ăn đều và đúng giờ cho nên nó mới phải đi kiếm ăn lăng băng như thế". Bác hạ giọng như tự nói với mình: "Đối với con người cũng thế, nhất là tuổi thanh niên, không quan tâm giữ nếp sống tốt thì cũng như thế". Tôi nghe mà thấm thía sâu sắc làm sao!

7 giờ sáng ngày 27 tháng 5 năm ấy, tức là trước ngày Thiếu nhi quốc tế 1-6, Bác gọi chị Thu Trà đến. Hồi đó chị Thu Trà làm chủ tịch Uỷ ban thiếu niên - nhi đồng. Bác hỏi về tình hình một số cháu học sinh miền Nam nghịch ngợm, Bác nói: ba má các cháu gửi các cháu ra miền Bắc để yên tâm công tác với niềm tin là được dạy dỗ tốt. Tại sao có tình trạng này? Lỗi các cháu một phần thì trách nhiệm của các cô các chú gấp mười phần... Bác căn dặn: vì các cháu xa nhà, thiếu tình cảm gia đình, cho nên phân trách nhiệm cho một số gia đình cán bộ chăm sóc các cháu như con em trong nhà. Bác cũng nhận chăm sóc con của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ một cháu trai, hai cháu gái.

Ngày 23 tháng 5 năm 1969, Bác tiếp ông Chủ tịch Thượng nghị viện Chi-lê X. Agienđê, sau này là Tổng thống. Sau đó, Agienđê đã ghi lại những ý nghĩ chân tình của mình trong một bài báo: "Chúng tôi ngồi quanh một cái bàn. Chủ tịch Hồ Chí Minh mở chiếc phong bì lấy ra một tấm ảnh và nói với chúng tôi: "Đây là một kỷ niệm". Chủ tịch lần lượt giới thiệu với chúng tôi những em thiếu nhi anh hùng miền Nam có nét mặt ngây thơ đang ngồi quây quần quanh Chủ tịch trong tấm ảnh. Chủ tịch nói: "Tôi rất vui lòng về các cháu thiếu nhi ngày nay... Hồi còn nhỏ, tôi không làm được những việc mà các cháu đã làm. Thiếu nhi thời tôi cũng vậy". Sau đó, Chủ tịch mở một quyển vở cũ và với giọng dịu hiền, Chủ tịch đọc những con số chỉ rõ những thanh niên, thiếu nhi đã đạt được thành tích xuất sắc trong học tập, lao động và trong những việc làm anh hùng. Con số này ngày một tăng, nói lên sự nỗ lực của thanh niên". Agienđê kết luận: "Chưa bao giờ một người khi nói với chúng tôi về các em nhỏ lại giáo dục chúng tôi nhiều như vậy".

Sự quan tâm và niềm tin của Bác Hồ đối với các thế hệ trẻ, người chủ của tương lai, một phần quan trọng đã được thể nghiệm trong chính thời thanh niên của Bác. Với hai bàn tay trắng, chàng trai xứ Nghệ Nguyễn Tất Thành 21 tuổi đã quyết tâm đi khắp năm châu bốn biển, tự kiếm sống, tự học tập để tìm đường cứu nước. Quyết tâm ấy, niềm tin ấy, Bác dồn tất cả cho các thế hệ trẻ, mùa xuân của xã hội.

Tạp chí Tia sáng, số 5/2000

Nguồn: http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/c-mac-angghen-lenin-ho-chi-minh/ho-chi-minh/cuoc-doi-va-su-nghiep/doc-0922201511023246.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Nam Bộ trước khi sang Pháp đàm phán, năm 1946

Với tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự toàn vẹn lãnh thổ, đất nước được hòa bình, độc lập, thống nhất, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho đồng bào miền Nam những tình cảm thiêng liêng cao quý nhất, miền Nam luôn đặc biệt quan trọng trong suy nghĩ, hành động của Người. Trong quá trình hoạt động cách mạng, lãnh đạo đất nước, bằng những lời lẽ cao quý nhất, trang trọng, gần gũi, giản dị và tha thiết nhất, Người đã gửi nhiều bức thư, bức điện, hay thông qua những bài nói, bài viết, trả lời phỏng vấn… để ca ngợi tinh thần bất khuất, kiên cường cũng như lòng yêu nước sâu sắc của đồng bào, chiến sĩ miền Nam.  Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp kéo vào Sài Gòn gây hấn, tái chiếm Việt Nam. Với tinh thần "độc lập hay là chết", nhân dân Nam Bộ đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai. Trước khí thế chiến đấu kiên cường, anh dũng của quân và dân Nam Bộ chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng cho quân và dân

Bác Hồ đến với các cháu mồ côi ở Trại Kim Đồng

Một sáng đẹp trời, Bác Hồ đã đến với các cháu Trại Kim Đồng. Ngay từ phút đặt chân đến cổng trại nhìn bờ rào dăng dây thép gai, trong mắt Bác hiện lên sự nhức nhối. Nói với các cán bộ phụ trách, giọng Bác nhẹ nhàng, nhưng vô cùng thấm thía: - Đây là nơi nuôi dạy các cháu mồ côi, được mang tên liệt sĩ Kim Đồng, sao các cô, các chú lại rào dây thép gai như nhà tù thế này ? Chú Thuận thưa: - Dạ thưa Bác, cơ ngơi của thời đại cũ để lại đấy ạ ! Bác lắc đầu: Các cô, các chú phải tháo gỡ đám dây thép gai ngay. Chế độ cũ nhóm các cháu vào đây, chúng ta tiếp tục nuôi dạy vì tương lai các cháu. Bác đi vào từng căn phòng ở, phòng ăn, phòng học, nơi các cháu vui chơi. Bác khen: “Được cái gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ, nhưng còn - Bác hỏi cán bộ phụ trách Trại - còn thế nào, các cô, các chú biết không ? Mọi người nhìn Bác, vừa xúc động vừa lúng túng. Rồi chú Thuận mạnh dạn đáp ? - Thưa Bác, các cháu ở trại còn chật chội ạ. Bác Hồ mỉm cười: - Chú nói mới đúng có một phần nhỏ thôi. Đối với các cháu

Bác Hồ với sự kiện lịch sử Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10-10-1954)

Mùa thu năm 1954, Bác Hồ với Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận và các đoàn thể từ “Thủ đô gió ngàn” Việt Bắc lại trở về giải phóng Thủ đô Hà Nội khỏi ách chiếm đóng của thực dân Pháp xâm lược; để rồi bước vào một giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam: Giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đấu tranh củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ trong cả nước, giải quyết những nhiệm vụ quan trọng từ chiến tranh chuyển sang hoà bình, tái thiết đất nước. Bác Hồ trong lễ duyệt binh ngày 1/1/1955 Trong thời điểm lịch sử bước ngoặt quan trọng này, Bác Hồ đã có nhiều cuộc họp với Trung ương và Hội đồng Chính phủ để giải quyết nhiều nhiệm vụ chính trị, quân sự, ngoại giao, an ninh, kinh tế, văn hoá, xã hội, nội vụ và tổ chức cán bộ…, đồng thời, tổ chức tiếp quản, giải phóng Thủ đô Hà Nội theo đúng Hiệp định Giơnevơ, nhanh chóng và có hiệu lực. Công tác tổ chức, bố trí cán bộ cách mạng trên cả nước được đặt ra và phải giải quyết kịp thời. Theo quyết định của Tru