Chuyển đến nội dung chính

Ao cá, Nhà sàn Bác Hồ

Ao cá Bác Hồ



Thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng, đây là một ao tù nước đọng, hươu, nai của Toàn quyền Đông Dương vẫn tới đây uống nước. Khi về ở và làm việc tại khu Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gợi ý anh em phục vụ cải tạo nơi này thành ao nuôi cá để cải thiện đời sống và làm cho môi trường thêm trong lành.

Ao rộng hơn 3000 mét vuông, nơi sâu nhất khoảng 3 mét. Trong ao thả nhiều loại cá khác nhau như: trắm, chép, mè, rô phi... để có thể tận dụng nguồn thức ăn ở các tầng nước. 

Hàng ngày, sau giờ làm việc buổi chiều Chủ tịch Hồ Chí Minh thường ra cầu ao trước nhà sàn cho cá ăn, thức ăn chủ yếu cho cá là cám và những mẩu bánh mỳ, cơm được anh em phục vụ phơi khô đựng vào chiếc hộp để cạnh cầu ao .Trước khi cho cá ăn, Người thường vỗ tay gọi cá, lâu dần tiếng vỗ tay của Người đã cho cá một phản xạ, hễ cứ nghe tiếng vỗ tay cá lại bơi về cầu ao. Bác nhớ đặc điểm của từng con cá chép đỏ nên có lần sau khi đi công tác về, Bác hỏi đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác - xem tại sao không thấy con cá gáy đỏ của Bác về ăn như mọi khi? Mấy hôm sau Bác rất vui kể rằng con cá gáy đỏ lại đã trở về rồi. Bác còn chú ý bảo vệ đàn cá, những năm trời rét đậm Bác nhắc anh em kiếm bèo tây về ngăn vào một góc ở hướng Bắc để che gió lùa và cho cá có nơi trú ẩn. 

Cá trong ao được dùng để cải thiện bữa ăn cho anh em trong cơ quan, tiếp khách trong và ngoài nước. Hàng năm, vào những ngày lễ, ngày tết cổ truyền, hoặc vào dịp sinh nhật mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nhắc anh em phục vụ đánh cá để biếu các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tặng anh em trong đơn vị bảo vệ và các gia đình trong cơ quan có cháu nhỏ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng mong muốn các địa phương trong cả nước phát triển nghề nuôi cá để cải thiện và nâng cao đời sống kinh tế từng hộ nông dân, góp phần nâng cao đời sống của toàn xã hội.

Năm 1959, hợp tác xã Tiền Phong- Yên Sở, Thanh Trì, Hà Nội là đơn vị đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng gần 100 con cá rô phi để nuôi. Năm 1979, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh đã phát động phong trào "Ao cá Bác Hồ". Sau cuộc phát động, cá giống từ ao cá trong khu Phủ Chủ tịch được gửi cho nhiều địa phương và một số đơn vị thuộc lực lượng vũ trang từ Bắc vào Nam, từ miền núi đến vùng đồng bằng. 

Việc phát triển "Ao cá Bác Hồ" nhận được sự hưởng ứng của nhân dân cả nước, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc và đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Nhà sàn Bác Hồ



Hầu hết các nguyên thủ của các nước trên thế giới, các chính khách và đoàn du lịch nước ngoài khi đến Hà Nội đều vào thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Đồng bào Việt Nam từ nước ngoài về nước, nhân dân từ mọi miền Tổ quốc khi đến Thủ đô cũng không thể không dành thời gian vào thăm nhà sàn Bác Hồ. Đi theo con đường hẹp trải sỏi hai bên trồng xoài, chúng ta sẽ tới một ngôi nhà sàn nhỏ nhắn bình dị, nằm giữa những vòm cây. Bao quanh nhà là hàng rào dâm bụt đỏ tươi, trước nhà là ao cá rộng rãi, thoáng mát. Đó là ngôi nhà Bác Hồ đã ở và làm việc từ ngày 17-5-1958 cho tới khi Người qua đời. Ngôi nhà nhỏ dưới bóng mát của vườn cây, bên cạnh những công trình to lớn, bề thế ở ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội cho chúng ta cảm nhận được cuộc sống giản dị, thanh bạch cũng như ý chí của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc trong sự phấn đấu vươn lên chiến thắng những quyến rũ, ham muốn đời thường, hướng vào mục đích cao cả: độc lập cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Như lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng cảm nhận: “Cái nhà sàn của Bác chỉ vẻn vẹn có vài ba phòng, trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại thì cái nhà nho nhỏ đó luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn, một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao”.

Năm 1958, sau gần 4 năm hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, cơ sở vật chất ở miền Bắc Việt Nam bước đầu được củng cố và phát triển, đời sống nhân dân đã phần nào được nâng cao, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị mong muốn xây dựng một ngôi nhà mới để Chủ tịch Hồ Chí Minh có nơi ở, làm việc được tốt hơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng ý với ý định này sau buổi gặp mặt đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Bắc tại Phủ Chủ tịch và sau chuyến đi thăm một số địa phương của tỉnh Thái Nguyên. Người nói với anh em: Trung ương đề nghị xây cho Bác một ngôi nhà mới, Bác nghĩ: nên làm một căn nhà nho nhỏ ở phía bên kia bờ ao theo kiểu nhà đồng bào dân tộc ở Việt Bắc, giống như ngôi nhà Bác đã từng ở trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, nguyên Cục phó Cục Thiết kế kiến trúc thuộc Bộ Giao thông thuỷ lợi được trao nhiệm vụ thiết kế và chỉ đạo xây dựng ngôi nhà. Đoàn 5 Cục Doanh trại (nay là Cục Kiến thiết cơ bản) thuộc Tổng cục Hậu cần, Quân đội nhân dân Việt Nam chịu trách nhiệm thi công. Ông Nguyễn Văn Ninh được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đến trao đổi về thiết kế, cách bố trí cụ thể của ngôi nhà như cần làm hành lang chung quanh để khi có các đồng chí lãnh đạo đến làm việc với Bác có lối đi và khi Bác làm việc, các đồng chí phục vụ đi lại không ảnh hưởng đến Người. Người nhắc nhở nhà nên làm bằng gỗ bình thường, gỗ loại một để dành làm tà vẹt đường sắt và trường học. Dưới tầng trệt, Người bảo làm bệ xi măng thấp ở chung quanh, trên có lát ván tạo thành hàng ghế băng dài cho các cháu thiếu niên vào chơi có đủ chỗ ngồi.

Ngày 15/4/1958, ngôi nhà sàn được khởi công xây dựng. Anh em cán bộ, chiến sĩ đã làm việc khẩn trương để ngôi nhà kịp trở thành món quà mừng sinh nhật lần thứ 68 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 17/5/1958, ngôi nhà được khánh thành. Nhân dịp này Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức một buổi liên hoan nhỏ để cảm ơn kiến trúc sư và anh em thi công, sau đó Người chuyển về ở và làm việc tại nhà sàn.

Ngôi nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng bằng gỗ bình thường, thiết kế theo kiểu nhà sàn của đồng bào dân tộc ở Việt Bắc: nhà hai tầng, xung quanh có mành che, tầng dưới để thoáng. Nét kiến trúc thanh nhã, trang trí không cầu kỳ này khiến công trình trở thành một kiến trúc độc đáo, mang sắc thái riêng nhưng rất hài hoà với thiên nhiên và các công trình kiến trúc xung quanh. Trước nhà là một vườn hoa nhỏ, trồng nhiều loại hoa thơm. Phía ngoài là hàng rào dâm bụt gợi nhớ hình ảnh quê hương Nghệ An, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên. Trong hồ nước rộng hơn 3.000m2 trước nhà sàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh nuôi cá vì theo Người nuôi cá ở đây vừa cải tạo môi trường sống trong lành, cải thiện bữa ăn hàng ngày, vừa là một cách thư giãn thú vị sau giờ làm việc khi Người cho cá ăn. Nhà sàn của Bác hoà hợp với thiên nhiên là thế đấy! Nó tạo ra nét bình dị gần gũi với mọi người dân Việt Nam ở khắp mọi miền Tổ quốc.

Tầng dưới nhà sàn kê một bộ bàn ghế lớn, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc về mùa hè, nơi Người họp, trao đổi công việc với các đồng chí trong Bộ Chính trị, cán bộ phụ trách đầu ngành hoặc các địa phương và cũng là nơi Người tiếp thân mật các cán bộ, chiến sĩ miền Nam. Trên bàn làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện nay vẫn còn những cuốn sách Người đang đọc vào những ngày cuối cùng. Trong đó, có những cuốn sách nói về gương người tốt, việc tốt của các giới, các ngành được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Bên cạnh những cuốn sách "Người tốt việc tốt" là sách của V.I Lênin viết về cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại, sách của các tác giả nước ngoài viết về cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam và phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc ở ngay trong lòng nước Mỹ. Trên bàn làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có chiếc khay đá màu đen, hình con thuyền mà Người thường để bút, đó là kỷ vật của Tổng thống nước cộng hoà nhân dân Cu Ba Ôt-xvan-đô Đoóc-ti-cốt tặng Người năm 1967. Món quà là biểu hiện cho tình bạn, tình đồng chí thân thiết giữa hai nhà lãnh đạo cũng như tình đoàn kết chiến đấu của nhân dân hai nước Việt Nam- Cu Ba.

Tại ngôi nhà sàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thân mật một số đoàn khách quốc tế. Những buổi tiếp khách quốc tế ở nơi đây mang một ý nghĩa thật đặc biệt, diễn ra trong bầu không khí cởi mở, chân tình, không bị ràng buộc bởi nghi lễ ngoại giao. Đây chính là nét độc đáo trong phong cách giao tiếp của Người và đã để lại những ấn tượng hết sức tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.

Phía cuối phòng tầng dưới nhà sàn có ba chiếc máy điện thoại. Chiếc máy màu xanh Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với Bộ Chính trị, hai máy màu đen Người làm việc với Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh Phòng không- Không quân. Mỗi lần nhận được tin quân và dân ta bắn rơi máy bay, bắn chìm tàu chiến của đế quốc Mỹ, Người đều kịp thời động viên, khen thưởng. Chiếc mũ sắt để bên cạnh được anh em bảo vệ mang theo trong những lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm các địa phương, đơn vị bộ đội... để phòng tránh những mảnh bom, đạn. Gần đó là chiếc ghế xích đu (còn gọi là ghế chao) bằng mây, Người thường nghỉ ngơi vào buổi trưa hoặc sau giờ làm việc. Xung quanh tầng dưới nhà là những bệ xi măng bên trên lát ván gỗ được làm theo gợi ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để mỗi lần các cháu thiếu nhi vào thăm Người có đủ chỗ ngồi. Người còn nhắc anh em phục vụ đặt thêm bể cá vàng cho các cháu vui hơn.

Tầng trên nhà sàn có hai phòng: phòng làm việc và phòng ngủ. Mùa đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường làm việc ở trên nhà. Hiện nay, trên bàn làm việc vẫn còn những tài liệu Người đang xem dở. Trên giá sách đặt trong vách ngăn giữa phòng làm việc và phòng ngủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh được sắp xếp rất ngăn nắp, khoa học. Bên cạnh sách kinh điển của C.Mác, F.Ăngghen, V.I Lênin là những cuốn sách về các lĩnh vực triết học, kinh tế, lịch sử, văn học nghệ thuật, khoa học... có cả những cuốn sách của các tác giả nước ngoài tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh với những lời đề tặng đầy tình cảm quý mến và trân trọng. Ngăn dưới cùng giá sách là chiếc máy chữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường tự đánh máy các bài viết, văn bản, thư gửi tới các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác, sản xuất, chiến đấu, điện mừng, lời chia buồn tới nhân dân và bạn bè thế giới. 

Tại phòng ngủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiện nghi sinh hoạt cũng đơn giản như ở mọi gia đình người dân Việt Nam thời đó. Chiếc giường gỗ mùa hè trải chiếu cói, mùa đông có thêm tấm đệm và chăn bông. Cạnh đó là một lò sưởi điện nhỏ, Người dùng những hôm trời giá lạnh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường làm việc rất khuya. Trên bàn làm việc ở phòng ngủ vẫn còn một số sách, tạp chí lưu lại bút tích của Người. Trong đó có bài nói về vấn đề cải cách chữ quốc ngữ, bài "Lênin nói về vấn đề giáo dục chủ nghĩa cộng sản cho thế hệ trẻ” của tạp chí Tuyên huấn... Đặt cạnh đó là chiếc đài bán dẫn - món quà của bà con Việt kiều Thái Lan kính biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh và chiếc mũ cát Người thường dùng trong những chuyến đi công tác trong nước và nước ngoài. 

Trên chiếc tủ nhỏ đặt ở đầu giường vẫn còn chiếc đồng hồ và cuốn sách Người đang đọc: "Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII” của hai tác giả Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm. Chiếc blôc lịch đang mở ngày 17/8/1969, ngày cuối cùng Bác làm việc ở nhà sàn này, cũng như bên dưới nhà sàn, chiếc đồng hồ vẫn đều đặn chạy khiến cho chúng ta cảm thấy như Người vẫn hiện diện ở nơi đây, thật thân thiết và gần gũi với tất cả chúng ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại ngôi nhà sàn trong 11 năm cuối cùng cuộc đời Người. Những tài liệu, hiện vật ở nơi đây đã thể hiện đầy đủ, rõ nét cuộc sống, tư tưởng, đạo đức và phong cách làm việc của một lãnh tụ hết lòng vì nước, vì dân, vì sự nghiệp hoà bình, hữu nghị và tiến bộ của các dân tộc trên thế giới. 

Nguồn: https://www.facebook.com/note.php?note_id=276264930346&ref=mf

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Nam Bộ trước khi sang Pháp đàm phán, năm 1946

Với tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự toàn vẹn lãnh thổ, đất nước được hòa bình, độc lập, thống nhất, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho đồng bào miền Nam những tình cảm thiêng liêng cao quý nhất, miền Nam luôn đặc biệt quan trọng trong suy nghĩ, hành động của Người. Trong quá trình hoạt động cách mạng, lãnh đạo đất nước, bằng những lời lẽ cao quý nhất, trang trọng, gần gũi, giản dị và tha thiết nhất, Người đã gửi nhiều bức thư, bức điện, hay thông qua những bài nói, bài viết, trả lời phỏng vấn… để ca ngợi tinh thần bất khuất, kiên cường cũng như lòng yêu nước sâu sắc của đồng bào, chiến sĩ miền Nam.  Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp kéo vào Sài Gòn gây hấn, tái chiếm Việt Nam. Với tinh thần "độc lập hay là chết", nhân dân Nam Bộ đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai. Trước khí thế chiến đấu kiên cường, anh dũng của quân và dân Nam Bộ chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng cho quân và dân

Bác Hồ đến với các cháu mồ côi ở Trại Kim Đồng

Một sáng đẹp trời, Bác Hồ đã đến với các cháu Trại Kim Đồng. Ngay từ phút đặt chân đến cổng trại nhìn bờ rào dăng dây thép gai, trong mắt Bác hiện lên sự nhức nhối. Nói với các cán bộ phụ trách, giọng Bác nhẹ nhàng, nhưng vô cùng thấm thía: - Đây là nơi nuôi dạy các cháu mồ côi, được mang tên liệt sĩ Kim Đồng, sao các cô, các chú lại rào dây thép gai như nhà tù thế này ? Chú Thuận thưa: - Dạ thưa Bác, cơ ngơi của thời đại cũ để lại đấy ạ ! Bác lắc đầu: Các cô, các chú phải tháo gỡ đám dây thép gai ngay. Chế độ cũ nhóm các cháu vào đây, chúng ta tiếp tục nuôi dạy vì tương lai các cháu. Bác đi vào từng căn phòng ở, phòng ăn, phòng học, nơi các cháu vui chơi. Bác khen: “Được cái gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ, nhưng còn - Bác hỏi cán bộ phụ trách Trại - còn thế nào, các cô, các chú biết không ? Mọi người nhìn Bác, vừa xúc động vừa lúng túng. Rồi chú Thuận mạnh dạn đáp ? - Thưa Bác, các cháu ở trại còn chật chội ạ. Bác Hồ mỉm cười: - Chú nói mới đúng có một phần nhỏ thôi. Đối với các cháu

Bác Hồ với sự kiện lịch sử Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10-10-1954)

Mùa thu năm 1954, Bác Hồ với Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận và các đoàn thể từ “Thủ đô gió ngàn” Việt Bắc lại trở về giải phóng Thủ đô Hà Nội khỏi ách chiếm đóng của thực dân Pháp xâm lược; để rồi bước vào một giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam: Giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đấu tranh củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ trong cả nước, giải quyết những nhiệm vụ quan trọng từ chiến tranh chuyển sang hoà bình, tái thiết đất nước. Bác Hồ trong lễ duyệt binh ngày 1/1/1955 Trong thời điểm lịch sử bước ngoặt quan trọng này, Bác Hồ đã có nhiều cuộc họp với Trung ương và Hội đồng Chính phủ để giải quyết nhiều nhiệm vụ chính trị, quân sự, ngoại giao, an ninh, kinh tế, văn hoá, xã hội, nội vụ và tổ chức cán bộ…, đồng thời, tổ chức tiếp quản, giải phóng Thủ đô Hà Nội theo đúng Hiệp định Giơnevơ, nhanh chóng và có hiệu lực. Công tác tổ chức, bố trí cán bộ cách mạng trên cả nước được đặt ra và phải giải quyết kịp thời. Theo quyết định của Tru