Chuyển đến nội dung chính

Bác Hồ với người làm báo

Vụ lúa chiêm 1958, miền Bắc hạn to, ruộng đồng khô nẻ. Nhân dân nô nức làm thủy lợi, đào mương dẫn nước vào đồng. Bác Hồ về thăm tỉnh Hưng Yên. Hôm ấy, một ngày tháng giêng, trời rét đậm. Bác Hồ rời Hà Nội thật sớm. Đến huyện Tiên Lữ, có mấy vị lãnh đạo tỉnh chờ sẵn ven đường. Bác xuống xe bắt tay, hỏi han mọi người, rồi băng băng đi bộ vào cánh đồng.

Nông dân năm xã đang đào một con sông. Bác Hồ bước rất nhanh giữa cánh đồng khô, đến mỗi nơi có đồng bào làm, Bác dừng lại, thăm hỏi động viên. Bà con hoan hô Bác. Bác xua tay: “Đừng hoan hô Hồ Chủ tịch, hãy hoan hô nước khi nào nước về”. Hễ gặp các vị cao niên là Bác tiến đến thăm hỏi. Có một cụ tên là Đoàn Đình Kiêu, năm ấy 82 tuổi, người thôn Hoàng Xá, xã Trung Dũng cũng tham gia làm thủy lợi. Bác nắm chặt tay cụ, nói: “Tôi cảm ơn cụ đã làm gương cho con cháu”. Rồi Bác quay lại bảo cán bộ địa phương đi theo: “Các cụ cùng chống hạn để làm gương cho con cháu như thế là rất tốt, nhưng phải chú ý sức khỏe các cụ, chớ để các cụ làm quá sức”.

Gặp ông Chủ tịch huyện quần áo tinh tươm đang đứng chờ để chào Bác. Bác bảo Chủ tịch đưa tay xem. Rồi Bác nói nhỏ: “Tay chú sạch quá. Cán bộ cũng phải cùng lao động với bà con, để cho bà con thấy mình là người của nhân dân”.

Đến xã cuối cùng, Bác Hồ dừng lại, rút trong túi ra một phong bì nhỏ. “Đây là phần thưởng của Bác Hồ. Có bảy chiếc huy hiệu tất cả. Năm chiếc tặng bà con năm xã, một chiếc thưởng xã nào thi đua giỏi nhất, còn một chiếc Bác tặng riêng cụ Kiêu”.

Do mỗi xã phụ trách một khúc sông, cho nên bà con tản mát. Bác Hồ đi bộ đến mấy cây số liền. Tôi tất tưởi theo, lắng nghe Bác nói chuyện với ai xong, lại tới hỏi rõ họ tên, người thôn nào xã nào..., để khi viết bài khỏi lẫn lộn, rồi vội vã chạy cho kịp đoàn. Hồi ấy tôi đang sức trai mà mệt phờ, nhưng vui vì nghe và ghi được nhiều điều, thú vị nhất là chuyện Chủ tịch Nước đi bộ qua cánh đồng gồ ghề nứt nẻ. Con sông đang đào nơi Bác về thăm năm ấy sau khi hoàn thành được đồng bào gọi là “Sông Bác Hồ”, nay vẫn giữ nguyên tên.

Tối hôm ấy về Hà Nội, tôi viết bài tường thuật dài đăng báo Nhân dân. Hôm sau, khoảng chín giờ, có điện thoại từ Văn phòng Chủ tịch nước, mời tôi lên ngay. Bác đang làm việc, ngước mắt hỏi: “Chú Quang à? Bác đã đọc bài của chú trên báo. Viết thế là được. Nhưng Bác hỏi chú, trong bài mấy lần chú nhắc đi nhắc lại chuyện Hồ Chủ tịch đi bộ giữa cánh đồng. Vậy ra từ trước tới nay, Bác Hồ toàn đi xe, chưa từng lội bộ bao giờ à? Bác Hồ đi bộ, thì có cái gì mà viết lắm thế?”. Tôi bối rối, chỉ còn biết lúng búng: “Cháu xin cảm ơn Bác. Cháu đã thấy khuyết điểm. Lần sau cháu xin cố gắng.”

Chúc chú viết báo cho đúng

Như một sự tình cờ, Tết Bính Thân tôi có vinh dự một mình đón Bác đến báo Nhân Dân. Sáng đầu năm, đúng như dự kiến, có mấy cụ già phố Hàng Trống thay mặt tổ dân phố đến chúc Tết Tòa soạn. Tôi được phân công trực Tòa soạn và tiếp các cụ ở phòng khách thì người bảo vệ chạy vào, nói to : “Bác Hồ! Bác Hồ đến!”

Bác Hồ thăm và nói chuyện với cán bộ, phóng viên báo Nhân dân, tháng 1/1957Bác Hồ thăm và nói chuyện với cán bộ, phóng viên báo Nhân dân, tháng 1/1957

Tôi vội chạy ra sân, nhìn về cổng chính không thấy ai. Thì ra, Bác Hồ đi từ Câu lạc bộ Thống Nhất sang, qua một cổng nhỏ vốn thông từ cơ quan báo sang sân chiếu phim của câu lạc bộ. Bác thoăn thoắt bước vào nhà. Theo sau có bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, cùng mấy đồng chí nữa.

Mấy cụ già lối phố sửng sốt trước vinh dự được gặp Bác Hồ đúng vào sáng tân niên, đứng dậy kính cẩn chắp tay, lúng túng không biết nên làm gì. Tôi giới thiệu với Bác, đây là mấy cụ ở cùng phố sang thăm cơ quan. Bác Hồ vui vẻ nói: “Năm mới, nhân được gặp các cụ, tôi chúc các cụ vạn sự như ý. Nhờ các cụ chuyển lời Hồ Chủ tịch chúc Tết gia đình và đồng bào khu phố”. Mấy ông già vẫn chưa hết ngỡ ngàng, bác sĩ Trần Duy Hưng rỉ tai: “Kìa, các cụ chúc Tết Bác đi”.

Trong phòng khách, Bác Hồ vẫn đứng mà nói chuyện. Tôi mời Bác ngồi. Bác xua tay: “Chú để mặc Bác. Chú làm gì ở tòa báo?” - “Thưa Bác, cháu làm phóng viên.” Bác nói: “Chú là nhà báo. Vậy năm mới, Bác chúc chú viết báo cho đúng, cho hay, có nhiều người đọc. Chú nói lại với chú Hoàng Tùng và toàn thể các cô, các chú trong cơ quan là Bác Hồ có lời chúc Tết anh chị em”.

Bác bắt tay mọi người, không quên mấy anh bảo vệ cơ quan vừa bỏ luôn nhiệm sở, chạy đến đứng thập thò ngoài cửa. Xong, Bác thoăn thoắt ra sân. Hai chiếc xe hơi vừa đến. Bác Hồ quay lại tươi cười đưa tay vẫy chào mọi người.

Nguồn :https://www.facebook.com/note.php?note_id=262570540346

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Nam Bộ trước khi sang Pháp đàm phán, năm 1946

Với tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự toàn vẹn lãnh thổ, đất nước được hòa bình, độc lập, thống nhất, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho đồng bào miền Nam những tình cảm thiêng liêng cao quý nhất, miền Nam luôn đặc biệt quan trọng trong suy nghĩ, hành động của Người. Trong quá trình hoạt động cách mạng, lãnh đạo đất nước, bằng những lời lẽ cao quý nhất, trang trọng, gần gũi, giản dị và tha thiết nhất, Người đã gửi nhiều bức thư, bức điện, hay thông qua những bài nói, bài viết, trả lời phỏng vấn… để ca ngợi tinh thần bất khuất, kiên cường cũng như lòng yêu nước sâu sắc của đồng bào, chiến sĩ miền Nam.  Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp kéo vào Sài Gòn gây hấn, tái chiếm Việt Nam. Với tinh thần "độc lập hay là chết", nhân dân Nam Bộ đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai. Trước khí thế chiến đấu kiên cường, anh dũng của quân và dân Nam Bộ chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng cho quân và dân

Bác Hồ đến với các cháu mồ côi ở Trại Kim Đồng

Một sáng đẹp trời, Bác Hồ đã đến với các cháu Trại Kim Đồng. Ngay từ phút đặt chân đến cổng trại nhìn bờ rào dăng dây thép gai, trong mắt Bác hiện lên sự nhức nhối. Nói với các cán bộ phụ trách, giọng Bác nhẹ nhàng, nhưng vô cùng thấm thía: - Đây là nơi nuôi dạy các cháu mồ côi, được mang tên liệt sĩ Kim Đồng, sao các cô, các chú lại rào dây thép gai như nhà tù thế này ? Chú Thuận thưa: - Dạ thưa Bác, cơ ngơi của thời đại cũ để lại đấy ạ ! Bác lắc đầu: Các cô, các chú phải tháo gỡ đám dây thép gai ngay. Chế độ cũ nhóm các cháu vào đây, chúng ta tiếp tục nuôi dạy vì tương lai các cháu. Bác đi vào từng căn phòng ở, phòng ăn, phòng học, nơi các cháu vui chơi. Bác khen: “Được cái gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ, nhưng còn - Bác hỏi cán bộ phụ trách Trại - còn thế nào, các cô, các chú biết không ? Mọi người nhìn Bác, vừa xúc động vừa lúng túng. Rồi chú Thuận mạnh dạn đáp ? - Thưa Bác, các cháu ở trại còn chật chội ạ. Bác Hồ mỉm cười: - Chú nói mới đúng có một phần nhỏ thôi. Đối với các cháu

Bác Hồ với sự kiện lịch sử Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10-10-1954)

Mùa thu năm 1954, Bác Hồ với Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận và các đoàn thể từ “Thủ đô gió ngàn” Việt Bắc lại trở về giải phóng Thủ đô Hà Nội khỏi ách chiếm đóng của thực dân Pháp xâm lược; để rồi bước vào một giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam: Giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đấu tranh củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ trong cả nước, giải quyết những nhiệm vụ quan trọng từ chiến tranh chuyển sang hoà bình, tái thiết đất nước. Bác Hồ trong lễ duyệt binh ngày 1/1/1955 Trong thời điểm lịch sử bước ngoặt quan trọng này, Bác Hồ đã có nhiều cuộc họp với Trung ương và Hội đồng Chính phủ để giải quyết nhiều nhiệm vụ chính trị, quân sự, ngoại giao, an ninh, kinh tế, văn hoá, xã hội, nội vụ và tổ chức cán bộ…, đồng thời, tổ chức tiếp quản, giải phóng Thủ đô Hà Nội theo đúng Hiệp định Giơnevơ, nhanh chóng và có hiệu lực. Công tác tổ chức, bố trí cán bộ cách mạng trên cả nước được đặt ra và phải giải quyết kịp thời. Theo quyết định của Tru