Hiện có hàng trăm tác phẩm và công trình
nghiên cứu, hàng nghìn bài viết của các tác giả nước ngoài về Hồ Chí Minh, với
những màu sắc, khuynh hướng chính trị, mục đích, ý đồ khác nhau. Trong số đó có
nhiều sách báo viết về hoạt động quốc tế của Hồ Chí Minh. Chúng tôi tập trung
vào ba vấn đề chủ yếu, liên quan đến nội dung cuốn sách này.
Thứ nhất, về động cơ ra đi tìm đường cứu nước của
Nguyễn Tất Thành.
Đây là vấn đề có ý nghĩa quan
trọng, mở đầu cuộc hành trình đi tìm con đường cứu nước cho dân tộc, cũng bắt
đầu cho hoạt động quốc tế của Hồ Chí Minh, gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng
thế giới.
Vấn đề Nguyễn Tất Thành ra đi
tìm đường cứu nước đúng cho dân tộc Việt Nam đã được nhiều nhà nghiên cứu trong
và ngoài nước đặt ra và lý giải: "Vì sao Hồ Chí Minh đi ra nước
ngoài?", "Tại sao Người không đi Nhật theo phong trào Đông Du, lại
sang Pháp, đến các nước phương Tây?". Câu chuyện đã rõ với những luận điểm
của các nhà khoa học Việt Nam và một số nhà sử học nước ngoài. Lý giải của GS.
Nguyễn Khánh Toàn dường như khép lại cuộc thảo luận: "Điều mà chủ tịch Hồ
Chí Minh sớm nhận thức được và nó dẫn Người đi đúng hướng là: Nguồn gốc những
đau khổ và áp bức dân tộc là ở ngay tại "chính quốc", ở nước đế quốc
thống trị mình"[1].
Vấn đề Nguyễn Tất Thành ra đi năm 1911 lại
trở lại sôi nổi khi “Đơn của Nguyễn Tất Thành xin vào học Trường thuộc địa”
(ngày 15-9-1911) được công bố năm 1983[2]. Dựa vào tài liệu này, một
số người không phân tích được nội dung bức thư để hiểu rõ mục đích xin học của
Nguyễn Tất Thành mà còn cố tình xuyên tạc. Nguyễn Tất Thành nêu rõ: “Tôi muốn
trở nên có ích cho nước Pháp đối với đồng bào của tôi và đồng thời có thể giúp
cho họ được hưởng những điều tốt đẹp của học vấn”. Nguyễn Tất Thành đã lập luận
một cách khiên cưỡng rằng: Hồ Chí Minh sang Pháp chỉ để kiếm sống, muốn làm
quan. Khi không thực hiện được ý tưởng đầu tiên, Hồ Chí Minh mới quay ra làm
cách mạng để chống Pháp[3].
Daniel Hémery trong bài viết “Về lá đơn của
Nguyễn Tất Thành xin vào học Trường thuộc địa (15-9-1911)” đã dựa vào nuồn tài
liệu trong các hồ sơ lưu trữ “tối mật” của Pháp để khẳng định: không thể nào chỉ
dựa vào đơn xin học Trường thuộc địa của Nguyễn Tất Thành, gửi Tổng thống nước
Cộng hòa Pháp, ngày 15-9-1911, để kết luận thiếu căn cứ rằng, Nguyễn Tất Thành
có ý định sau khi học xong sẽ trở thành người làm việc cho chính quyền thuộc địa
Pháp ở Đông Dương[4].
Trường thuộc địa có mục tiêu đào tạo của
mình: lúc thành lập (năm 1887) được gọi là “Trường Campuchia”, chỉ tiếp nhận học
sinh Campuchia, được nhận học bổng của Phủ Toàn quyền Đông Dương, để học tiếng
Pháp và văn hóa Pháp. Năm 1889, mới lấy tên “Trường thuộc địa”, mở các lớp đào
tạo công chức cho chính quyền các xứ thuộc địa và một phân hiệu đào tạo nghề,
như điện báo, kế toán, thuyền trưởng cho người bản xứ. Trước khi Nguyễn Tất
Thành xin vào học, đã có một số học viên Việt Nam, như Lê Văn Hiếm (từ năm
1897), tiếp đó là Phan Văn Đại, Bùi Sử, Bùi Thiện Cơ… Trong số này, chỉ có Bùi
Thiện Cơ và Phan Văn Đại về nước làm quan (Tổng đốc), còn những người khác
không làm quan cho triều đình, công chức cho thực dân Pháp.
Với mục đích xin vào học Trường thuộc địa, do
“hoàn toàn không có tiền bạc nhưng ham học hỏi” như nêu trong đơn , nên dù có
được nhận vào trường hay không thì Nguyễn Tất Thành vẫn tự học trong đời sống,
hiểu được nước Pháp, nhân dân Pháp và thế giới để trở về giúp đồng bào” như Người
đã khẳng định khitrar lời nhà văn Mỹ Ana Lui Strong[5]. Sự
thực này cũng không phù hợp một suy luận rằng: xin vào Trường thuộc địa, Nguyễn
Tất Thành thực sự ít nhiều ngây thơ, tin tưởng sẽ “hưởng ân huệ” của Chính phủ
Pháp như đối với con trai cụ Phan Châu Trinh, được chọn vào “nhóm giáo dục Đông
Dương tại Pháp, đang được tổ chức”[6]. Từ
đó đi tới kết luận không đúng rằng: “đối với Thành, quan trường đã bị đóng cửa
thì chỉ còn mông làm nghề thư ký, người thường hành”[7].
Chúng ta có thể điểm thêm một số ý kiến của
các nhà nghiên cứu Phương tây trong những năm gần đây về việc Nguyễn Tất Thành
ra đi tìm đường cứu nước để thấy răng, chủ đề này còn khá hấp dẫn đối với họ.
Uyliêm Đuycơ (William.J.Duiker) trong cuốn “Hồ Chí Minh”, sau khi nhắc lại ý kiến
của chủ tịch Hồ Chí nói với Ôxip Manđextam (nhà báo, nhà thơ Xôviết) năm 1924
và Anan Louis Strong năm 1960 đã đi đến kết luận rằng: “Những người viết tiểu sử
về những thánh nhân ở Hà Nội đã thể hiện rất nhiều lời bàn luận trong những hồi
ký mô tả quyết định của ông rời Việt Nam như một sứ mệnh cứu nước. Với xu hướng
kịch tính hóa các sự kiện về cuộc đời mình nhằm làm cho người khác tự khám phá
cần phải thận trọng khi xem xét những điều ông thuật lại. Tuy nhiên, không nghi
ngờ gì là ông đã rời Sài Gòn mùa hè năm 1911 lòng tràn đầy tình yêu Tổ quốc
cũng như hiểu rõ sự bất công mà chính quyền thuộc địa đã gây ra đối với đồng
bào ông. Đối với Thành, dường như
không có cách giải quyết vấn đề này ở trong nước. Có lẽ điều đó có thể tìm thấy
ở nước ngoài”[8].
Dù đã gán ghép mục đích và phương pháp biên
soạn của sử học tư sản cho những nghiên cứu lịch sử Việt Nam – những người
không xuyên tạc lịch sử và cố gắng nhận thức đúng hiện thực quá khứ, song
Uyliêm Đuycơ đã thừa nhận rằng chính lòng yêu nước, thương đồng bào đã thúc giục
Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Ý tưởng của Đuycơ phần nào gặp gỡ với
với ý kiến của một số nhà nghiên cứu Phương Tây trong những năm gần đây, vì vấn
đề vì sao Nguyễn Tất Thành không sang phương Đông mà đến phương Tây để tìm đường
cứu nước. Đó là vì: khi không tán hành con đường cứu nước cũ, Nguyễn Tất Thành
không chỉ muốn xác định con đường cứu nước dúng mà còn muốn tìm con đường đi tiếp
theo cho việc xây dựng đất nước. Đối với Hồ Chí Minh, việc xác định con đường cứu
nước phải gắn với con đường xây dựng đất nước. Cho nên Hồ Chí Minh sang phương
tây làm để tìm ra con đường đi cho phương đông. Vì vậy, Furuta Motoo đã có lý
khí viết rằng: “nếu thoáng nghe thì câu chuyện Hồ Chí Minh gửi đơn xin nhập học
ở trường này ((tức Trường thuộc địa, tác giả chú thích) có vẻ mâu thuẫn với câu
chuyện Hồ Chí Minh rời đất nước ra đi để “tìm đường cứu nước”[9].
Theo Furuta Motoo, để hiểu rõ vấn đề phải “trực tiếp đọc lá đơn xin nhập học của
Hồ Chí Minh” và thực tiễn hoạt động của Hồ Chí Minh. Từ đó Furuta Motoo đã cho
rằng: “vào thời điểm này, việc Hồ Chí Minh sang Pháp và xin vào học ở trường
đào tạo quan lại của các nước thuộc địa không phải vì mục đích tìm kế sinh sống
của bản thân và gia đình mình, mà vì muốn “tìm con đường cứu nước”, “và muốn
sau này trở về giúp đỡ đồng bào”[10].
Với nhiều tài liệu xác thực, các nhà nghiên cứu
trong và ngoài nước đã đi tới sự nhất trí rằng: “Hành trang ra đi của Nguyễn Tất
Thành lúc bấy chỉ có tấm lòng yêu nước
thiết tha muốn giải phóng đất nước, đồng bào khỏi cuộc đời nô lệ. Hơn nữa, Người có một vốn Hán học khá tinh thông và
trình độ Tây học dù mới ở bậc tiểu học, nhưng lại ham hiểu biết, có chi tự học
và tự nuôi sống bằng hai bàn tay lao động nên cũng nhanh chóng và nâng cao được
trình độ”[11].
Sự quyết định sang Pháp, sang phương Tây thể
hiện quyết tâm hành động cứu nước, có một quyết định lúc cần phải quyết định.
Song đây là một sự lựa chọn khó khăn “tưởng chừng như đơn giản và tự nhiên. Thực
ra, đó là chặng đường chiến thắng với biết bao sự lựa chọn vững chắc, tránh được
sai lầm dẫn tới nõ cục”[12].
Bởi vì, ra nước ngoài để tìm lực lượng, chuẩn bị lực lượng trở về cứu nước thì
trước Hồ Chí Minh đã có nhiều người tiến hành; song ra nước ngoài để tìm con đường
đúng cho dân tộc là điều đang chờ đợi ở Hồ Chí Minh. Với động cơ đúng, với quyết
tâm, sự nhạy cảm, chính trị trước những đổi thay, tác động, ảnh hưởng của tình
hình thế giới, Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh sẽ giải quyết được
vấn đề mà lịch sử đang đặt ra.
Thứ
hai, hoạt động quốc tế của
Nguyễn Ái Quốc trong 30 năm ở nước ngoài, đặc biệt từ cuối năm 1917 khi Nguyễn
Tất Thành trở lại Pháp, là một chủ đề nghiên cứu, hấp dẫn nhiều nhà khoa học nước
ngoài. Đây cũng là vấn đề làm nảy sinh nhiều quan điểm khác nhau.
Những đồng chí, bạn bè của Nguyễn Ái Quốc
trong thời gian Người hoạt động cở nước ngoài, có những mối quan hệ tình cảm,
công tác mặt thiết, cung cấp nhiều tài liệu đáng tin cậy, có giá trị khoa học về
cuộc đời và hoạt động cách mạng của Người.
Phần lớn các công trình này là những hồi ký,
hồi ức rất hấp dẫn vì tính chính xác khoa học và tình cảm mật thiết, chân
thành. Người đọc, người nghe, xem sách, báo qua các phương tiện truyền thanh,
truyền hình – những loại tài liệu này rất hứng thú; bởi vì, khó phân biệt “chỗ
nào văn học kết thúc, chỗ nào sử học khởi đầu”. Nhiều điều huyền thoại mà như
thật, những điều thật cứ ngỡ là huyền thoại, hư cấu! Đó là những trang hồi ký đầy
xúc động về Nguyễn Ái Quốc của những người bạn quốc tế của Người, như Giác
Đuyclô (Jacques Duclos), Phơrăngxoa Biu (Francois Bioux), Giannết Vecmết Tôrê
(Jeannette Vermesche Thorez). Tiêu Tam (Trung Quốc)…
Những công trình nghiên cứu khoa học về tiểu
sử chính trị Hồ Chí Minh của Liên Xô, Trung Quốc , Pháp, Nhật Bản, Mỹ, Cộng hòa
dân chủ Đức và nhiều nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước dây đã sử dụng nhiều
tài liệu trung thực, có những nhận định, khái quát – kết luận đúng đắn. Một số
nhà khoa học Phương Tây với thái độ “khách quan”, mong muốn “tìm ra sự thật”
cũng có những kết quả nghiên cứu phản ánh sự thật về cuộc đời và hoạt dộng cách
mạng nói chung, hoạt động quốc tế nói riêng của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên vẫn còn có những vấn đề mà các nhà khoa học Việt Nam đã trao đổi lại,
vì nó không đúng sự thật, do ngộ nhận, do chưa xác định chỗ đứng vững chắc để
nghiên cứu về Hồ Chí Minh.
Đối với những người sử dụng việc nghiên cứu Hồ
Chí Minh nói chung, hoạt động quốc tế của Người nói riêng như một phương tiện,
công cụ đánh phá cách mạng Việt Nam, xuyên tạc, nói xấu, hạ thấp công lao của Hồ
Chí Minh nói riêng, cần phải đấu tranh vạch trần những luận điệu gian dối, những
điều vu khống ác hiểm.
Năm 1990, Nhà sách và xuất bản Nam Á ở Pari
(Pháp) cho ra đời cuốn “Hồ Chí Minh – Sự thật về thân thế và sự nghiệp”. Đây là
tập hợp một số bài báo cáo tại cuộc hội thảo, được tổ chức trong ngày 25-
26-5-1990. Mục tiêu của họ là chống lại việc thực hiện Nghị quyết của UNESCO về
kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 – 1990). Họ phản kích
trên mọi mặt về cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh từ “Hành trình chính trị
của Hồ Chí Minh”, những sự kiện về chuyến đi của Người đến nước Nga năm 1923,
những vấn đề về cải cách ruộng đất, về đổi mới, nhân quyền. Họ tung ra những
đòn “độc” đánh vào “những chỗ ác hiểm”, song chỉ là “những đòn gió” vì nó chứa
đựng những điều xuyên tạc, bịa đặt… không thể làm cho bất cứ người nào có hiểu
biết, có lương tri tin vào những lời che đậy ác ý ấy. Những điều họ đưa ra
trong cuốn sách làm cho bạn đọc vừa căm tức, khinh thường dã tâm và nực cười sự
ngây ngô, khờ dại (về mặt khoa học) của họ. Ai cũng hiểu rằng, nghiên cứu lịch
sử phải dựa vào tài liệu – sự kiện , được xem như “không khí của nhà khoa học”.
Tuy nhiên, tài liệu – sự kiện nào cũng do con người ghi chép, mà người ghi chép
thường thể hiện sự nhận thức chủ quan của mình, nhất là những ekr đối nghịch,
chống phá cách mạng . Vì vậy, việc sử dụng tài liệu phải được thẩm định.
Thứ
ba, vấn đề về mối quan hệ giữa chủ nghĩa dân tộc và Chủ nghĩa cộng sản
ở Hồ Chí Minh.
Có
thể nói đây là vấn đề quan trọng mà nhiều nhà nghiên cứu về Hồ Chí Minh đề cập;
bởi vì, nó liên quan đến việc tìm hiểu những vấn đề về lý giải Hồ Chí Minh là “người
theo chủ nghĩa dân tộc hay chủ nghĩa cộng sản”, về xác định công lao to lớn của
Người đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, về phẩm chất, đạo đức Hồ
Chí Minh…
Những
thế lực chống cách mạng Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh ra sức hạ thấp công lao
và sự nghiệp Hồ Chí Minh đã tjp trung, chĩa mũi nhọn vào vấn đề này.
Có một
số người do chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn nên có những nhận định sai lệch,
khi cho rằng Hồ Chí Minh đã du nhập chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam một cách cưỡng
bức. Họ cho rằng, ở một nước nông nghiệp mà nông dân chiếm số đông, không có
yêu cầu và điều kiện cho chủ nghĩa cộng sản phát triển, hoặc Hồ Chí Minh là người
yêu nước, song tiếc rằng ông đã là người cộng sản; nếu không phải là người cộng
sản ông còn có thể tập hợp nhiều người theo mình để giành thắng lợi trong kháng
chiến chống Pháp…
Hiện
nay, một số nhà nghiên cứu nước ngoài không thể phủ nhận công lao của Hồ Chí
Minh đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam, ảnh hưởng và những đóng
góp của Người đối với công cuộc giải phóng dân tộc của nhân dân thế giới, song
vẫn khơi lên vấn đề dân tộc chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa ở Hồ Chí Minh, nhằm
lung lạc nhận thức về con đường phát triển của các nước đã giành được độc lập.
Theo một số nhà nghiên cứu phương Tây thì “trong suốt cuộc đời mình, ông Hồ
luôn bị đeo đuổi bởi câu hỏi, về nguyên tắc ông là một nhà dân tộc chủ nghĩa
hay một người cộng sản…”.
Tình
hình sau khi Pháp thất bại năm 1954 đã cho thấy Hồ CHí Minh trung thành với học
thuyết Lênin. Bởi vì “Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của
Lênin dã chứa đựng cả lý thuyết cách mạng dân chủ tư sản, tiếp theo là cách mạng
xã hội chủ nghĩa, đã có ảnh hưởng rất lớn đến Hồ Chí Minh vào đầu những năm 20
(của thế kỉ XX – tác giả chú thích). Khi Việt Nam bị chia thành miền bắc độc lập
và miền nam chịu sự kiểm soát của Mỹ, Hồ Chí Minh đã vận dụng lý thuyết về các
tình huống cụ thể đối với đất nước. Yêu cầu về cách mạng xã hội chủ nghĩa và độc
lập dân tộc theo quan điểm của Lênin đã được xây dựng lại một cách sáng tajo để
đáp ứng các tình huống lịch sử cụ thể. Không có nghi ngờ gì trong việc xác định
chủ nghĩa xã hội tại một nước độc lập là mục tiêu của chiến lược”[13].
Trong
cuộc đấu tranh chống các luận điệu sai trái, các nhà khoa học, hoạt động xã hội
tiến bộ, cách mạng thế giới, qua các bài viết, chuyên khảo, báo cáo tại các hội
nghị, hội thảo đã chứng minh rằng “Hồ Chí Minh – người thống nhất hài hòa chủ
nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế trong sáng”, “Hồ Chí Minh – nhà nhân văn chủ
nghĩa vĩ đại, con người của tương lại”[14].
Tổng
hợp các ý kiến này, chúng ta có thể dẫn một vài đoạn trong bài viết của Gớt Hôn
(G.Hall) – Tổng bí thư Đảng cộng sản Mỹ: “Đồng
chí Hồ CHí Minh là một lãnh tụ thế giới vào lúc loài người đang ở bước ngoặc có
tính chất cách mạng nhất. Đồng chí là một nhà kiến trúc và tạo hình làm nên quá
trình cách mạng thế giới. Người am hiểu một các vô cùng sáng suốt phương hướng
và mục tiêu của quá trình đó. Người biết rõ động lực và sức mạng của nó… Đồng
chí Hồ Chí minh là một lãnh tụ trong lixnhv vực lý luận và tư tưởng. Người là một
lãnh tụ chính trị, nhưng Người cũng là lãnh tụ xuất sắc về quân sự. Đây không
phải là lĩnh vực cách biệt trong tài trí caoroojng của Người. Đây không phải là
những trào lưu trái ngược nhau, mà là những mặt của một quan điểm cách mạng thống
nhất, mỗi mặt được triển khai theo yêu cầu của hoàn cảnh cụ thể. Sức mạnh thúc
đẩy cách mạng phát triển bắt nguồn từ một quan hệ đúng ắn giữa các mặt đó. Nhận
thức sâu sắc về các lực lượng cách mạng phát triển bắt nguồn từ mối quan hệ giữa
các lực lượng đó chính là nguồn gốc của một nhãn quan sáng suốt, khái niệm chiến
lược đúng đắn và tài vận dụng chiến lược ở trình độ bậc thầy của đồng chí Hồ
Chí Minh trong mọi tình huống”[15]
GS.TS.NGND.
Phan Ngọc Liên (2010), Chiến sĩ Quốc tế Hồ
Chí Minh – hoạt động thực tiễn và lý luận cách mạng (sách tham khảo), NXB.
Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.30-41.
[1] Nguyễn Khánh Toàn: “Chủ tịch
Hồ Chí Minh từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến chủ nghĩa Cộng sản khoa học”,
trong Tìm hiểu một số vấn đề trong tư tưởng
chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB. Sự thật, Hà Nội, 1982, tr.14.
[2] Daniel Hémery: Jeunesse d’un colonise. Genese d’un exul
jusqu’en 1911, Asia, 1982, N0 11, tr.131, tiếng Pháp.
[3] Nguyễn Thế Anh: “Từ mộng
làm quan đến đường cách mạng. Hồ Chí Minh và Trường thuộc địa”, Tạp chí Đường mới, số 1- 1983, tr.8-25.
[4] Xem Kỷ yếu hội thảo Việt
Nam – châu Á lần thứ nhất, NXB. Hacmatan (L’Harmattan(, 1983.
[5] Ana Lui Strong: “Ba lần
nói chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh”, báo Nhân dân, ngày 19-5-1960.
[6] Năm 1911, Phan Châu Trinh
được chính quyền thực dân Pháp tha khỏi án tù binh, nhờ sự can thiệp của Liên
minh Nhân quyền; cụ sang Pháp sống với trợ cấp hàng tháng 150 franc. Con trai Phan
Châu Trinh là Phan Châu Dật cũng được Phủ Toàn quyền Đông Dương cấp học bổng
theo học trường Trung học Jacques, Amyet từ năm 1916-1919. Dựa vào điều này, có
người cho rằng Nguyễn Tất Thành hy vọng sẽ nhờ những nơi đã giúp Phan Châu
Trinh để giúp cụ Nguyễn Sinh Sắc khôi phục danh dự vì bị cách chức và bản thân
mình cũng được Chính phủ Pháp cấp học bổng như trường hợp Phan Châu Dật.
[7] Daniel Hémery: sđd,
tr.121.
[8] William.J.Duiker: Ho Chi Minh, Hyperion, New York, 2000,
tr.45, tiếng Anh.
[9] Furuta Motoo: Hồ Chí Minh – Giải phóng dân tộc và đổi mới,
NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr.52
[10] Furuta Motoo: sđd, tr.53-54.
[11] Phan Ngọc Lieenm Hồ Chí Minh với tiến trình lịch sử dân tộc,
NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.149.
[12] Ho Chi Minh: Notre camarade. Introduction historique
de Charles Fourniau, Ed sociales, Paris, 1970, tr.26, tiếng Pháp.
[13] Xem Walden Bello: Presents HO CHI MINH Down with colonialism, Verso,
London – New York, 2007, tr.XVI-XVII, tiếng anh.
[14] GS. Phan Ngọc Liên và
Nghiêm Văn Thái (chủ biên): Giá trị tư tưởng
Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay (qua sách báo nước ngoài), Hà Nội,
1993.
[15] Trích trong Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch,
NXB. Sự thật, Hà Nội, 1976, TR.530-532.
Nhận xét
Đăng nhận xét