Trước tình hình mới của cách mạng, tháng 12 - 1958, dưới bút danh Trần Lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm Ðạo đức cách mạng. Tác phẩm được in lần đầu trên Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản), sau đó được Nhà xuất bản Sự thật (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ngày nay) in thành sách và phát hành ngay trong tháng 12 - 1958.
Tuy cuốn sách mỏng, chưa đầy 20 trang, nhưng nội dung rất phong phú, cách viết súc tích, văn phong giản dị, dễ hiểu, chứa đựng những tư tưởng lớn về đạo đức mới - đạo đức cách mạng.
Phần đầu tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích về nguồn gốc của chủ nghĩa cá nhân, giải thích về sự tồn tại những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên, trong các cơ quan đảng và chính quyền của chúng ta. "Từ khi có chế độ của riêng thì xã hội chia thành giai cấp, giai cấp bóc lột và giai cấp bị bóc lột, do đó có mâu thuẫn xã hội, có đấu tranh giữa các giai cấp và từ đó, người nào cũng thuộc vào hoặc giai cấp này hoặc giai cấp khác... Sinh trưởng trong xã hội cũ, chúng ta ai cũng mang trong mình hoặc nhiều hoặc ít vết tích xấu xa của xã hội đó về tư tưởng, về thói quen... Vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ là chủ nghĩa cá nhân"(1).
Ở phần này, Bác cũng khẳng định, để chống lại chủ nghĩa cá nhân, nhất định phải rèn luyện, tu dưỡng và thấm nhuần sâu sắc đạo đức cách mạng. Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước... Có đạo đức cách mạng thì khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ". Trong phần này, Bác nêu một số tấm gương sáng cán bộ Ðảng ta, như các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai... đã hy sinh cả tính mạng cho sự nghiệp cách mạng. Ðó là những biểu hiện cụ thể, cao quý của đạo đức cách mạng.
Phần tiếp theo của tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra khái niệm và phân tích các yếu tố nội hàm của "đạo đức cách mạng". Theo Người, đạo đức cách mạng là: quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Ðảng, cho cách mạng. Ðó là điều chủ chốt nhất.
Từ khái niệm đó, Người phân tích nội dung cụ thể của đạo đức cách mạng là phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, phải đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, đoàn kết chặt chẽ với nông dân, trí thức và toàn dân tộc, ngoài lợi ích của giai cấp và dân tộc, Ðảng không có lợi ích nào khác. Ðạo đức cách mạng là phải thực hiện được các mục tiêu của Ðảng, phải hoàn thành một cách xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Ðạo đức cách mạng là, vô luận trong hoàn cảnh nào cũng phải kiên quyết đấu tranh chống lại mọi kẻ địch, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết không cúi đầu. Người chỉ rõ có ba kẻ địch luôn chống lại chúng ta, đó là: chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc; thói quen và truyền thống lạc hậu vì nó ngấm ngầm ngăn cản sự phát triển của cách mạng và sự tiến bộ của chúng ta; kẻ thù thứ ba chính là chủ nghĩa cá nhân, nó ẩn nấp trong mỗi chúng ta, nó chờ mỗi khi ta thất bại hoặc thắng lợi là ngóc đầu lên. Nó là bạn đồng minh của hai kẻ thù kia.
Ðạo đức cách mạng là, phải luôn luôn thực hiện "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư". Cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên phải thật sự gương mẫu, lời nói phải đi đôi với việc làm, tư tưởng phải thống nhất với việc làm. Về nội dung này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng phê phán rất quyết liệt: "... một số đảng viên, cán bộ đang còn xa xỉ, tham ô, lãng phí, không biết tiếc, biết tôn trọng của công, không biết thương tiếc của cải do mồ hôi, nước mắt đồng bào làm ra. Do đó mà đẻ ra xa xỉ. Lương bổng Chính phủ cấp cho chúng ta có hạn mà ta xa xỉ thì lấy tiền đâu ? Ðã có cái áo rồi còn muốn hai ba cái như thế là lãng phí. Lại muốn mua thứ này thứ khác mà thiếu tiền sinh ra tham ô"(2).
Ðạo đức cách mạng là, phải biết hy sinh cho sự nghiệp của Ðảng, của Tổ quốc và của dân tộc, coi đó là niềm vinh dự lớn. Không thể kể công với Ðảng. Có ít nhiều thành tích, thì họ muốn Ðảng "cảm ơn" họ. Họ đòi ưu đãi, họ đòi danh dự và địa vị. Họ đòi hưởng thụ. Nếu không thỏa mãn yêu cầu của họ thì oán trách Ðảng. Ðạo đức cách mạng là, phải gắn bó máu thịt với nhân dân, tin dân, dựa vào lực lượng vô địch của nhân dân để lãnh đạo nhân dân chống lại mọi kẻ thù xâm lược, đói nghèo và lạc hậu.
Do vậy, cần phải khắc phục tình trạng "... chủ nghĩa cá nhân đang ám ảnh một số đồng chí. Họ tự cho mình cái gì cũng giỏi, họ xa rời quần chúng, không muốn học hỏi quần chúng mà chỉ muốn làm thầy quần chúng... Họ mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh"(3). Dần dần họ bị chủ nghĩa cá nhân trói buộc, trở nên kiêu ngạo, công thần, tự cao tự đại. Họ phê bình người khác mà không muốn người khác phê bình họ; không tự phê bình hoặc tự phê bình một cách không thật thà, nghiêm chỉnh... Họ không lắng nghe ý kiến quần chúng, họ xem khinh những cán bộ ngoài Ðảng và kết quả tất yếu là quần chúng không tin, không theo và bỏ rơi họ.
Phần thứ ba của tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích về con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam là tiến lên CNXH. Người khẳng định: Muốn chủ nghĩa xã hội thành công thì phải chống được chủ nghĩa cá nhân và phải thực hiện cho được đạo đức cách mạng. Theo Người: Ðấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không hề mâu thuẫn với bảo vệ lợi ích cá nhân, cũng không phải "giày xéo lên lợi ích cá nhân". Ðiều này được bảo đảm bằng bản chất tốt đẹp của chế độ ta - đó là chế độ dân chủ, "bao nhiêu quyền lợi đều thuộc về nhân dân". Ở phần này, Người đưa ra quan điểm rõ ràng: Không ai có thể thỏa mãn rằng mình đã có, đã đủ đạo đức cách mạng, bởi vì: "Cách mạng tiến lên mãi, Ðảng tiến lên mãi. Cho nên người cách mạng cũng phải tiến lên mãi"(4). Người cách mạng muốn tiến lên phải không ngừng tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng, đồng thời phải gắn bó với phong trào, nghĩa là phải luôn sát thực tế, và phải luôn trau dồi lý luận Mác - Lê-nin.
Kết luận tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng chủ nghĩa cá nhân, bởi nó là "kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội". Và: "Ðạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong"(5).
Tác phẩm Ðạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời đã nửa thế kỷ, nhưng những nội dung, những vấn đề có tính nguyên tắc để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Ðảng, để chống chủ nghĩa cá nhân, thường xuyên thực hiện đạo đức cách mạng, để xây dựng một Ðảng vững mạnh, một chính quyền hướng về dân, một đội ngũ công chức xứng đáng là công bộc của dân... vẫn còn nguyên giá trị.
Trong tình hình hiện nay, khi chúng ta đang thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, hướng tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; kiên quyết chống tham ô, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, là những nguy cơ cản trở sự phát triển của sự nghiệp cách mạng nước ta, tác phẩm Ðạo đức cách mạng có giá trị thực tiễn rất cao. Hơn thế, cuốn sách còn thể hiện những tình cảm tha thiết của Bác Hồ đối với sự tiến bộ của cán bộ, đảng viên, với Ðảng và nhân dân lao động.
Trong hệ thống trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh, tác phẩm Ðạo đức cách mạng là một hiện vật quan trọng, cùng với các tài liệu, hiện vật khác để hình thành một hệ thống thông tin phục vụ việc tuyên truyền, giới thiệu về tư tưởng, tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh.
----------------
(1) Hồ Chí Minh: toàn tập, Sđd, t.9, tr.282-283.
(2) Hồ Chí Minh: toàn tập, Sđd, t.8, tr. 409-410.
(3) Hồ Chí Minh: toàn tập, Sđd, t.9, tr.290-291.
(4) Hồ Chí Minh: toàn tập, Sđd t.9, tr.292.
(5) Hồ Chí Minh: toàn tập, Sđd, t.9, tr.293.
(1) Hồ Chí Minh: toàn tập, Sđd, t.9, tr.282-283.
(2) Hồ Chí Minh: toàn tập, Sđd, t.8, tr. 409-410.
(3) Hồ Chí Minh: toàn tập, Sđd, t.9, tr.290-291.
(4) Hồ Chí Minh: toàn tập, Sđd t.9, tr.292.
(5) Hồ Chí Minh: toàn tập, Sđd, t.9, tr.293.
Nhận xét
Đăng nhận xét