Chuyển đến nội dung chính

Bài nói của chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị chiến tranh du kích (7-1952)

Để tổng kết những kinh nghiệm quý báu, nhất là kinh nghiệm chống địch càn quét và đề ra những nhiệm vụ cụ thể và chỉ đạo chiến lược, chiến thuật, tổ chức, xây dựng đưa chiến tranh du kích phát triển đến một trình độ cao, ngày 13/7/1952 ta đã mở Hội nghị chiến tranh du kích. Hồ Chủ tịch đã tới dự và trong bài nói tại Hội nghị. Người đã nêu rõ mục đích của chiến tranh du kích không phải ăn to đánh lớn và phải tỉa dần, đánh làm sao cho giặc ăn không ngon ngủ không yên, bị hoang mang về tinh thần, vật chất rồi đi đến chỗ tiêu diệt, nhiệm vụ của du kích là phá âm mưu "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh" của địch. "Phá được âm mưu đó là góp phần lớn vào công việc tổng phản công".
I- Các cô các chú ở đây đều cố gắng, có thành tích, gian khổ, người nhiều người ít. Đó là điều đáng khen. Nhưng nên nhớ thành tích đó không phải là thành tích của riêng ai mà là chung của bộ đội, của đồng bào. Nếu các chú, các cô có tài nǎng mà không có bộ đội và đồng bào giúp đỡ thì tài nǎng cũng vô dụng.
II- Từ chiến dịch Hoà Bình đến giờ, so sánh tình hình du kích vùng sau lưng địch nǎm nay với nǎm ngoái thì đã phát triển khá hơn nhiều, nhất là đồng bào và cán bộ tự tin mình có thể thắng được địch. Đó là rất đúng, là một điều thay đổi rất tốt.
Các cô, các chú phải biết cuộc kháng chiến của ta là trường kỳ gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi. Trường là dài, tức là đánh bao giờ địch bại, địch “cút”, thế mới là trường. Đế quốc Pháp áp bức ta hơn 80 nǎm cũng như cái bệnh nặng đã lâu ngày, không phải chữa một ngày, một nǎm mà khỏi được ngay. Chớ có vội vàng muốn đánh ngay thắng ngay, thế là chủ quan. Trường kỳ thì phải gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi.
Kháng chiến trường kỳ gian khổ đồng thời lại phải tự lực cánh sinh. Trông vào sức mình nhất là ở sau lưng địch thì lại càng phải đặc biệt chú ý. Cố nhiên sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập.
Kháng chiến phải trường kỳ, thì du kích ở sau lưng địch phải làm thế nào? Nhiệm vụ là gì? Du kích cũng phải trường kỳ. Nhiệm vụ hiện nay là phá âm mưu của địch “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”. Địch không thể lấy được nhân lực, vật lực của ta ở vùng tự do, chúng phải vơ vét ở địch hậu, ta phải phá. Phá được âm mưu đó là góp một phần lớn vào công việc chuẩn bị tổng phản công và địch sẽ yếu dần đi, ta sẽ thắng, địch sẽ thua.
III- ở vùng sau lưng địch, các cô, các chú có nhiều ưu điểm: chịu khó, gan dạ, đoàn kết. Về ưu điểm Bác không nói, ở đây Bác chỉ nêu mấy khuyết điểm chính để sửa chữa:
1. Cán bộ quân, dân, chính, Đảng không nghiên cứu rõ ràng tỉ mỉ, sâu sắc những chỉ thị, mệnh lệnh của Trung ương, Chính phủ gửi xuống. Đó là một khuyết điểm lớn. Trung ương, Chính phủ thấy rộng, tập trung tình hình, kinh nghiệm ở khắp nơi để nghiên cứu mới làm ra chỉ thị. Cán bộ quân, dân, chính, Đảng phải nghiên cứu cho kỹ những chỉ thị đó để áp dụng cho hợp với hoàn cảnh thiết thực của địa phương. Vì địa phương thấy hẹp, chỉ thấy cây mà không thấy cả cái rừng, chỉ thấy một mà không thấy mười, cho nên có một công việc mà địa phương cho là thành công nhưng đem ghép với tình hình chung thì lại là thất bại, đó là do không nghiên cứu kỹ chỉ thị của Chính phủ, Trung ương.
2. Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích không nên chỉ biết đánh. Biết đánh là cái tốt, nhưng chỉ biết đánh mà coi nhẹ chính trị, kinh tế, tuyên truyền giáo dục nhân dân tức là chỉ biết có một mặt, vì đánh không thể tách rời được với chính trị và kinh tế. Nếu chỉ biết đánh mà không nghĩ đến kinh tế thì khi hết gạo sẽ không đánh được. Cho nên đánh là cố nhiên, nhưng không phải là chỉ đánh thôi mà phải lo cả các mặt khác nữa.
3. Khuyết điểm nữa là chủ lực, bộ đội địa phương và du kích đều muốn đánh to, ǎn to, thiếu nghiên cứu hiểu rõ tình hình, khả nǎng ta và địch một cách tỉ mỉ để định mục đích và cách đánh thích hợp. Nên khi thực hành mắc nhiều khuyết điểm. Bất kỳ ở đâu phải chắc chắn thắng thì mới đánh, còn lúc nào chưa chắc thì không nên đánh, nhất là mình lại nằm trong vòng vây của địch.
4. Về cán bộ thì cán bộ quân sự chỉ biết quân sự, cán bộ chính quyền chỉ biết chính quyền, cán bộ Đảng chỉ biết Đảng như thế chẳng khác gì người đứng một chân. Cán bộ chỉ biết một mặt là có hại, không vững, vì các mặt quân, dân, chính, Đảng kết hợp lại thành một khối, thiếu một mặt thì không mạnh, không hoàn toàn. Cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền hầu như khoán trắng việc đánh giặc cho quân sự, không biết rằng Đảng phải chǎm lo lãnh đạo mọi mặt, lúc đánh nhau, tất cả mọi mặt phải gắn liền với nhau thì mới thắng được.
5. Riêng về cán bộ Đảng một phần vì điều kiện khó khǎn nhưng phần lớn vì không biết nắm vững khâu chính tức là nền tảng cơ sở tổ chức của Đảng, nên hiện nay trong vùng tạm bị chiếm cơ sở Đảng chưa vững chắc. Phải biết rằng nếu tổ chức Đảng mạnh thì mọi công việc đều chạy.
6. Công tác phòng gian chưa chu đáo, chưa giữ được bí mật.
7. Công tác nguỵ vận tuy có thành tích nhưng không đều. Chỗ nào cán bộ có sáng kiến thì làm khá, nơi nào không sáng kiến thì làm uể oải. Địch lập hương dũng, bảo an. Phải phá những cái gai góc ấy đi. Các cô, các chú phải cùng nhau trao đổi kinh nghiệm mà đẩy mạnh công tác nguỵ vận.
8. Nói về tuyên truyền ở sau lưng địch thì cũng như hồi trước Cách mạng Tháng Tám, có Nhật, Pháp, Việt gian mà ta vẫn tuyên truyền được nhân dân là nhờ có sáng kiến, ngoài tuyên truyền bằng miệng còn tuyên truyền bằng báo chí. Bây giờ Trung ương, Chính phủ cũng đã cố gắng đưa báo Cứu quốc, Nhân dân vào vùng địch, nhưng vẫn chưa đủ và gặp khó khǎn. ở địch hậu phải tạo ra những tờ báo in bằng đá, bằng đất, không cần to lắm và cũng không cần in ra hằng ngày, cốt sao phổ biến tuyên truyền đường lối chính sách của Chính phủ, tuyên truyền thiết thực làm dân hiểu được thắng lợi của ta, thua thiệt và tội ác của giặc. Đó là công tác giáo dục của Đảng.
IV- Bây giờ nói đến công việc phải làm:
1. Trước hết nội bộ, tức là quân, dân, chính, Đảng phải đoàn kết chặt chẽ. Có việc gì, phải bàn tính kỹ lưỡng, tư tưởng, hành động phải thống nhất, phải giúp đỡ nhau, thành thực phê bình và tự phê bình để cùng nhau tiến bộ.
2. Phải nghiên cứu kỹ, áp dụng đúng và triệt để thi hành những chỉ thị, mệnh lệnh của Trung ương và của Chính phủ.
3. Điểm trọng yếu là bất kỳ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đều phải bám sát lấy dân, rời dân ra nhất định thất bại. Bám lấy dân là làm sao cho được lòng dân, dân tin, dân mến, dân yêu. Như vậy thì bất kể việc gì khó cũng làm được cả và nhất định thắng lợi. Muốn thế phải bảo vệ, giúp đỡ, giáo dục nhân dân. Giáo dục không phải là đưa sách vở bắt buộc dân phải học, làm thế tức là phản lại lợi ích của dân, của cách mạng, là quan liêu, mệnh lệnh. Phải vận động nhân dân, để dân tự nguyện, tự giác, nếu bắt buộc thì chỉ có thể có kết quả ngay lúc đó thôi, còn sau thì không thấm.
4. Bộ đội chủ lực trong địch hậu có nhiệm vụ giúp đỡ bộ đội địa phương và dân quân du kích về tổ chức, huấn luyện mọi mặt, giúp đỡ chứ không bao biện. Hơn nữa phải giúp đỡ cả nhân dân. Điểm này có đơn vị đã làm được, có đơn vị còn thiếu sót. Phương ngôn có câu “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, thế nghĩa là dựa vào vùng địch đánh du kích, phải biết chiến thuật du kích chứ không chính quy như ở ngoài. Tuyệt đối chớ có ham ǎn to, đánh to, trừ những hoàn cảnh 100% chắc thắng.
5. Mục đích của du kích chiến cũng không phải là ǎn to đánh lớn mà phải tỉa dần, đánh làm cho nó ǎn không ngon, ngủ không yên, không thở được, bị hao mòn về tinh thần và vật chất rồi đi đến chỗ bị tiêu diệt. Phải làm sao cho địch đi đến đâu cũng có du kích đánh, ít nhất cũng bị quả mìn, bị vài phát súng. Binh lính Pháp viết trong thư gửi cho nhau: “ở Việt Nam cái hang đá nào, cái bụi nào, ao nào cũng có cái chết ẩn ở đó”…
Nếu các cô, các chú các địa phương sửa được những khuyết điểm và làm đúng những công việc như lời Bác vừa nói thì nhất định thắng lợi. Nhưng phải nhớ rằng còn một thằng địch trên đất nước ta thì chưa gọi là thắng lợi hoàn toàn. Trước đây, lực lượng địch mạnh hơn ta về trang bị, về kinh nghiệm, nhưng nó vẫn cứ thua ta vì nó chủ quan. Vậy các cô, các chú chớ có chủ quan khinh địch thì thắng lợi.
Về địa phương, các cô, các chú phải nói với anh em, với đồng bào thi đua về mọi mặt: đánh giặc lập công, tổ chức nguỵ vận, địch vận, tǎng gia sản xuất và tiết kiệm, “thực túc binh cường” nếu không tǎng gia và tiết kiệm thì không có lương thực ǎn để đánh giặc. Các cô, các chú có hứa làm được không ? (Mọi người đáp có, vang hội trường). Hứa thì phải làm bằng được.
Một điểm nữa là phải báo cáo thành tích của bộ đội và đồng bào lên Trung ương, Chính phủ để khen thưởng, vì khen thưởng cũng là một cách giáo dục và cổ động. Bộ đội, đồng bào có thành tích mà Trung ương, Chính phủ khen thưởng thì mới hǎng hái hơn và những người chưa có thành tích sẽ thi đua tích cực. Từ trước đến nay địa phương rất ít báo cáo, bây giờ các cô, các chú phải tích cực làm.
Bác dặn thêm các cô, các chú về nói với đồng bào là Bác, Trung ương Đảng, Chính phủ gửi lời thǎm đồng bào, thǎm các cán bộ và chiến sĩ, đặc biệt là các lão du kích, nữ du kích và các cháu nhi đồng kháng chiến. Bác, Trung ương và Chính phủ sung sướng và chắc chắn là bộ đội và đồng bào địch hậu thực hiện đúng những đường lối chủ trương kháng chiến để mau thắng lợi.
Nói tháng 7-1952.
Sách Hồ Chí Minh: Vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1970, tr.135-139.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Nam Bộ trước khi sang Pháp đàm phán, năm 1946

Với tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự toàn vẹn lãnh thổ, đất nước được hòa bình, độc lập, thống nhất, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho đồng bào miền Nam những tình cảm thiêng liêng cao quý nhất, miền Nam luôn đặc biệt quan trọng trong suy nghĩ, hành động của Người. Trong quá trình hoạt động cách mạng, lãnh đạo đất nước, bằng những lời lẽ cao quý nhất, trang trọng, gần gũi, giản dị và tha thiết nhất, Người đã gửi nhiều bức thư, bức điện, hay thông qua những bài nói, bài viết, trả lời phỏng vấn… để ca ngợi tinh thần bất khuất, kiên cường cũng như lòng yêu nước sâu sắc của đồng bào, chiến sĩ miền Nam.  Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp kéo vào Sài Gòn gây hấn, tái chiếm Việt Nam. Với tinh thần "độc lập hay là chết", nhân dân Nam Bộ đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai. Trước khí thế chiến đấu kiên cường, anh dũng của quân và dân Nam Bộ chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng cho quân và dân

Bác Hồ đến với các cháu mồ côi ở Trại Kim Đồng

Một sáng đẹp trời, Bác Hồ đã đến với các cháu Trại Kim Đồng. Ngay từ phút đặt chân đến cổng trại nhìn bờ rào dăng dây thép gai, trong mắt Bác hiện lên sự nhức nhối. Nói với các cán bộ phụ trách, giọng Bác nhẹ nhàng, nhưng vô cùng thấm thía: - Đây là nơi nuôi dạy các cháu mồ côi, được mang tên liệt sĩ Kim Đồng, sao các cô, các chú lại rào dây thép gai như nhà tù thế này ? Chú Thuận thưa: - Dạ thưa Bác, cơ ngơi của thời đại cũ để lại đấy ạ ! Bác lắc đầu: Các cô, các chú phải tháo gỡ đám dây thép gai ngay. Chế độ cũ nhóm các cháu vào đây, chúng ta tiếp tục nuôi dạy vì tương lai các cháu. Bác đi vào từng căn phòng ở, phòng ăn, phòng học, nơi các cháu vui chơi. Bác khen: “Được cái gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ, nhưng còn - Bác hỏi cán bộ phụ trách Trại - còn thế nào, các cô, các chú biết không ? Mọi người nhìn Bác, vừa xúc động vừa lúng túng. Rồi chú Thuận mạnh dạn đáp ? - Thưa Bác, các cháu ở trại còn chật chội ạ. Bác Hồ mỉm cười: - Chú nói mới đúng có một phần nhỏ thôi. Đối với các cháu

Bác Hồ với sự kiện lịch sử Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10-10-1954)

Mùa thu năm 1954, Bác Hồ với Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận và các đoàn thể từ “Thủ đô gió ngàn” Việt Bắc lại trở về giải phóng Thủ đô Hà Nội khỏi ách chiếm đóng của thực dân Pháp xâm lược; để rồi bước vào một giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam: Giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đấu tranh củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ trong cả nước, giải quyết những nhiệm vụ quan trọng từ chiến tranh chuyển sang hoà bình, tái thiết đất nước. Bác Hồ trong lễ duyệt binh ngày 1/1/1955 Trong thời điểm lịch sử bước ngoặt quan trọng này, Bác Hồ đã có nhiều cuộc họp với Trung ương và Hội đồng Chính phủ để giải quyết nhiều nhiệm vụ chính trị, quân sự, ngoại giao, an ninh, kinh tế, văn hoá, xã hội, nội vụ và tổ chức cán bộ…, đồng thời, tổ chức tiếp quản, giải phóng Thủ đô Hà Nội theo đúng Hiệp định Giơnevơ, nhanh chóng và có hiệu lực. Công tác tổ chức, bố trí cán bộ cách mạng trên cả nước được đặt ra và phải giải quyết kịp thời. Theo quyết định của Tru