Chuyển đến nội dung chính

Thanh niên xung phong rèn luyện và phấn đấu theo tư tưởng Hồ Chí Minh

TCCSĐT - Cách đây 65 năm, ngày 15-7-1950, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Núi Hồng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương (tiền thân của lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam) được thành lập. Trong suốt cuộc đấu tranh và giải phóng dân tộc, Đội Thanh niên xung phong Việt Nam luôn là biểu tượng sáng ngời của thế hệ trẻ Việt Nam.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên xung phong
Tháng 9-1950, Trung ương Ðảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới, giải phóng 3 tỉnh Cao - Bắc - Lạng. Nhiệm vụ đó đòi hỏi phải huy động một lực lượng lớn nhân công mở đường, tải lương, phục vụ bộ đội chiến đấu,… Lực lượng này rất cần những thanh niên trẻ, khỏe, có tinh thần hăng hái xung phong, chịu đựng hy sinh, được tổ chức chặt chẽ và có tinh thần sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ. Từ lòng yêu thương, sự tin tưởng đối với thanh niên Việt Nam nói chung, với tầm nhìn chiến lược về vai trò của lực lượng thanh niên xung phong nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương thành lập Đội Thanh niên xung phong tập trung, giao cho Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc phụ trách. Ngày 15-7-1950, theo Chỉ thị của Người, “Ðội Thanh niên xung phong công tác Trung ương” được thành lập gồm 225 đội viên do đồng chí Vương Bích Vượng, Ủy viên Ban Chấp hành Ðoàn Thanh niên cứu quốc làm đội trưởng. Vinh dự lớn cho thanh niên xung phong Việt Nam - một sáng tạo mang đặc trưng của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh lịch sử, của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện là luôn được Ðảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức tin cậy, chăm sóc, dìu dắt và từng bước trưởng thành.
Về vai trò của thanh niên xung phong, Người nhấn mạnh: “Kháng chiến càng tiến tới, công việc ngày càng nhiều, chúng ta cần củng cố và phát triển Đội Thanh niên xung phong để đảm bảo thêm công việc kháng chiến và đào tạo cán bộ sau này”(2) và yêu cầu “Thanh niên phải xung phong làm gương mẫu trong công tác, trong học hỏi, trong tiến bộ, trong đạo đức cách mạng. Thanh niên phải thành một lực lượng to lớn và vững chắc trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc”(3).
Về nhiệm vụ của thanh niên xung phong, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Nhiệm vụ của Đội Thanh niên xung phong là xung phong mọi việc bất kỳ việc khó dễ, và phục vụ cho đến kháng chiến thành công”(4) và hướng tới mục đích “Đội cốt giáo dục cho thanh niên tinh thần quyết tâm xung phong trong mọi việc. Rèn luyện thành những thanh niên gương mẫu, những chiến sĩ thi đua, để trở nên những cán bộ tốt sau này cho Đảng và Chính phủ”(5).
Khẳng định Đội Thanh niên xung phong là “Những trường học lớn và tốt”“vừa huấn luyện vừa thử thách cán bộ”, vì “Nếu ai không chịu nổi thử thách, trước sự kiểm tra nghiêm khắc mà công bằng của quần chúng, thì người ấy chỉ có thể tự trách mình”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chiến sĩ và cán bộ được rèn luyện những tính tốt như: quyết tâm, gan dạ, kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ. Được bồi dưỡng tính tổ chức, tính kỷ luật. Do quần chúng thẳng thắn phê bình mà cán bộ tẩy rửa được những tính xấu như: quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lãng phí,v.v… Ở những trường ấy, miệng nói tay làm, lý luận gắn liền với thực hành. Nó làm cho cán bộ tư tưởng thêm thông, lập trường thêm vững, lề lối làm việc thêm dân chủ”(6)

Bác Hồ thăm Đại hội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước 12-1-1967.

Trên cương vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, dù bộn bề công việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành sự quan tâm, viết thư¬ thăm hỏi, đến dự các hội nghị, đại hội, theo dõi các phong trào của thanh niên xung phong, nhằm khuyến khích, đề cao những thành tích, những công việc mà thanh niên xung phong đã đạt được; đồng thời cũng nhẹ nhàng phê bình, chỉ ra những thiếu sót còn tồn tại, để mỗi người có thể tự mình khắc phục. Những tình cảm và chỉ dẫn của Người trong Thư khen thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước, ngày 26-9-1966; lời phát biểu tại Đại hội thi đua các đội thanh niên xung chống Mỹ, cứu nước toàn miền Bắc, ngày 12-01-1967; Thư gửi Đội Thanh niên xung phong số 333, ngày 27-01-1969 - Bức thư cuối cùng của Người gửi thanh niên xung phong... đều thấm nhuần yêu cầu: Trong bất cứ hoàn cảnh nào, lực lượng thanh niên xung phong cũng phải “nêu cao ý chí chiến đấu, tinh thần cảnh giác cách mạng”; “luôn luôn đoàn kết, ra sức học tập chính trị, kỹ thuật, văn hóa để ngày càng tiến bộ”(7)“đem hết nhiệt tình, tài năng của tuổi trẻ cống hiến thật nhiều cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước” và mong mỏi “các cháu đoàn kết chặt chẽ, dũng cảm lao động và chiến đấu, giữ gìn sức khỏe, cố gắng học tập, lập nhiều thành tích chống Mỹ, cứu nước, để xứng đáng là thanh niên anh hùng của dân tộc anh hùng”(8)... để xứng đáng là thanh niên anh hùng của một dân tộc văn hiến.
Phát huy truyền thống thanh niên xung phong - Nguồn lực sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Những lời dạy bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật sâu sắc, chân tình nhưng thẳng thắn và cụ thể, đã giúp cho hàng vạn cán bộ, đội viên các thế hệ thanh niên xung phong có một nghị lực phi thường, một bản lĩnh kiên cường, một niềm tin vững chắc, một sự rèn luyện đạo đức thường xuyên, liên tục; làm nên chủ nghĩa anh hùng cách mạng cả trong kháng chiến cứu nước, giải phóng dân tộc, trong rèn luyện học tập vươn tới đỉnh cao của sự tiến bộ, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, từ đội ngũ 225 cán bộ, đội viên của đơn vị tiền thân là Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương, lực lượng thanh niên xung phong đã không ngừng phát triển. Trên hai vạn cán bộ, đội viên thanh niên xung phong đã hoạt động ngày đêm, sát cánh, chia lửa cùng các đơn vị lực lượng vũ trang, giao thông - vận tải, dân công, đồng bào các dân tộc Việt Bắc và Tây Bắc hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ quan trọng: Phục vụ chiến đấu, mở đường, bảo đảm giao thông, rà phá bom mìn, vận chuyển và chăm sóc thương bệnh binh, mai táng liệt sĩ,... ở các chiến dịch lớn, như Biên giới, Tây Bắc, Trung Du, Hòa Bình, Bình Trị Thiên, Liên khu V,… đặc biệt là tại mặt trận Điện Biên Phủ. Lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, sự hy sinh cao cả của những thanh niên xung phong kiên cường bám trụ giữa mưa bom, bão đạn của quân thù để bảo vệ các trọng điểm giao thông “Dù bom đạn xương tan, thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xuân”(9) đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Từ truyền thống thanh niên xung phong lớp cha anh thời kỳ chống thực dân Pháp, sang thời kỳ chống đế quốc Mỹ, khi cuộc kháng chiến chuyển sang giai đoạn gay go ác liệt, ngày 21-6-1965, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 71/TTg-CN thành lập Lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước tập trung để phục vụ công tác bảo đảm giao thông - vận tải và quy định rõ các nguyên tắc tổ chức, nhiệm vụ, chế độ chính sách, trách nhiệm các cấp, các ngành đối với thanh niên xung phong. Ở miền Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam cũng giao cho Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam thành lập Lực lượng Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam, vừa phục vụ công tác giao thông - vận tải ở miền Bắc, vừa phục vụ chiến đấu ở miền Nam. Từ phong trào “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, đã có trên 25 vạn nam nữ thanh niên tình nguyện tham gia Lực lượng thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước, bổ sung ngồn lực cho lực lượng thanh niên xung phong cả nước.
Với tinh thần và ý chí “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, tiếp bước cha anh, lên đường với quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; với quyết tâm “Tiếng hát át tiếng bom”, “Tim có thể ngừng đập nhưng mạch máu giao thông phục vụ chiến trường không bao giờ ngừng chảy” và nghị lực “Chân đồng vai sắt” để gùi cõng vũ khí, đạn dược nặng gấp đôi cơ thể, vượt qua mọi đèo dốc, thác ghềnh kịp giờ nổ súng vào đầu quân giặc…, tuổi trẻ hai miền Nam - Bắc đã luôn hăng hái đi đầu, có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất, lao động quên mình nơi khói lửa của chiến tranh và trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Thanh niên xung phong đã lao động sáng tạo, quên mình mở đường chiến lược xuyên qua núi rừng Trường Sơn hiểm trở, dưới làn mưa bom bão đạn của địch, cùng lực lượng của ngành giao thông và bộ đội công binh làm nên những con đường chiến lược nối liền mạch máu giao thông giữa hậu phương lớn và tiền tuyến lớn. Những dấu ấn trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại, như Đường 20 Quyết Thắng, Ngã ba Đồng Lộc, phà Sông Gianh, Truông Bồn, cầu Hàm Rồng, Bầu Bàng, cua chữ A, phà Xuân Sơn; căn cứ Nước Oa, đường 1C (Nam Bộ),… luôn khắc ghi những chiến công và gương hy sinh của cán bộ, đội viên thanh niên xung phong đã không tiếc tuổi xuân, hiến dâng cho độc lập, tự do của dân tộc.
Thanh niên xung phong cùng tuổi trẻ cả nước thi đua tình nguyện hoàn thành vượt mức kế hoạch trong lao động sản xuất, công tác và học tập, xây dựng hàng trăm công trình kinh tế xã hội, như Công trình đường sắt Hà Nội - Lao Cai, Hà Nội - Vinh, công trình đường giao thông 426 Tây Bắc, Khu gang thép Thái Nguyên, Thủy điện Thác Bà, Mỏ thiếc Tĩnh Túc Cao Bằng, Nhà máy cơ khí Hà Nội,... Lực lượng thanh niên xung phong đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần làm nên một hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa vững chắc, bảo đảm sức người, sức của phục vụ cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Những mốc son, những trang sử vàng, những câu chuyện kể về tấm gương của thanh niên xung phong ở khắp mọi miền đất nước chính là biểu tượng rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần yêu nước của thanh niên Việt Nam. Lực lượng ấy đã phát huy nhiệt huyết, tinh thần yêu nước, sức mạnh dời non, lấp biển của tuổi trẻ, xung kích đi đầu, phục vụ sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc, góp sức làm nên những kỳ tích của dân tộc Việt Nam trong công cuộc giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Họ thật xứng đáng với vai trò “là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức là các cháu nhi đồng... là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”(10) như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã tin tưởng.
Xúc động biết bao khi trong bản Di chúc lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã dành sự quan tâm hết sức cụ thể đối với thanh niên xung phong trong mối quan tâm lớn lao của Người về sự phát triển của đất nước và đời sống của nhân dân sau chiến tranh: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong,...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh””. Sự trăn trở, quan tâm chăm sóc của Người không chỉ thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, đền đáp công lao của thanh niên xung phong trong kháng chiến, mà còn thể hiện tầm nhìn của một vị lãnh tụ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ; giúp, tạo điều kiện để thanh niên xung phong có công ăn việc làm, được học hành để bổ sung những gì họ thiếu, “để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”(11).
Phát huy truyền thống anh hùng của lực lượng thanh niên xung phong trong kháng chiến; đồng thời coi đây là một trong những môi trường góp phần đào tạo, rèn luyện các thế hệ cán bộ, thanh niên xung phong có bản lĩnh và phẩm chất “vừa hồng vừa chuyên” kế tục sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc,“Thanh niên xung phong - Chiến đấu dũng cảm - Lao động sáng tạo - Lập công xuất sắc”(12) đã tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03/CT-TW của Bộ Chính trị. Hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tích cực tham gia mọi công tác xã hội, lực lượng thanh niên xung phong - một nguồn lực sáng tạo trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức đã thấm nhuần những lời dạy của Người đã chủ động xây dựng, bồi dưỡng các nhân tố điển hình, phát hiện, nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương người tốt, việc tốt bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Ở mọi miền của Tổ quốc, họ đã nỗ lực, phát huy sức mạnh vô song, với những hoài bão và bản lĩnh của tuổi trẻ, đi đầu trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, chống nghèo nàn, lạc hậu, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới, hải đảo, khu vực đặc biệt khó khăn, địa bàn có vị trí chiến lược, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập của đất nước./.



-----------------------------------------------------------------------------------------
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, xuất bản lần thứ 3, H, 2011, t. 6, tr. 440
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 331
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 67
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 331
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 332
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 462 - 463
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 540
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 164
(9) Trích thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của Tố Hữu
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 298
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 616 - 617
(12) Bức trướng do Ban Chấp hành Trung ương Đảng tặng
TS. Văn Thị Thanh Mai
Ban Tuyên giáo Trung ương

Nguồn: Tập chí Cộng sản.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Nam Bộ trước khi sang Pháp đàm phán, năm 1946

Với tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự toàn vẹn lãnh thổ, đất nước được hòa bình, độc lập, thống nhất, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho đồng bào miền Nam những tình cảm thiêng liêng cao quý nhất, miền Nam luôn đặc biệt quan trọng trong suy nghĩ, hành động của Người. Trong quá trình hoạt động cách mạng, lãnh đạo đất nước, bằng những lời lẽ cao quý nhất, trang trọng, gần gũi, giản dị và tha thiết nhất, Người đã gửi nhiều bức thư, bức điện, hay thông qua những bài nói, bài viết, trả lời phỏng vấn… để ca ngợi tinh thần bất khuất, kiên cường cũng như lòng yêu nước sâu sắc của đồng bào, chiến sĩ miền Nam.  Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp kéo vào Sài Gòn gây hấn, tái chiếm Việt Nam. Với tinh thần "độc lập hay là chết", nhân dân Nam Bộ đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai. Trước khí thế chiến đấu kiên cường, anh dũng của quân và dân Nam Bộ chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng cho quân và dân

Bác Hồ đến với các cháu mồ côi ở Trại Kim Đồng

Một sáng đẹp trời, Bác Hồ đã đến với các cháu Trại Kim Đồng. Ngay từ phút đặt chân đến cổng trại nhìn bờ rào dăng dây thép gai, trong mắt Bác hiện lên sự nhức nhối. Nói với các cán bộ phụ trách, giọng Bác nhẹ nhàng, nhưng vô cùng thấm thía: - Đây là nơi nuôi dạy các cháu mồ côi, được mang tên liệt sĩ Kim Đồng, sao các cô, các chú lại rào dây thép gai như nhà tù thế này ? Chú Thuận thưa: - Dạ thưa Bác, cơ ngơi của thời đại cũ để lại đấy ạ ! Bác lắc đầu: Các cô, các chú phải tháo gỡ đám dây thép gai ngay. Chế độ cũ nhóm các cháu vào đây, chúng ta tiếp tục nuôi dạy vì tương lai các cháu. Bác đi vào từng căn phòng ở, phòng ăn, phòng học, nơi các cháu vui chơi. Bác khen: “Được cái gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ, nhưng còn - Bác hỏi cán bộ phụ trách Trại - còn thế nào, các cô, các chú biết không ? Mọi người nhìn Bác, vừa xúc động vừa lúng túng. Rồi chú Thuận mạnh dạn đáp ? - Thưa Bác, các cháu ở trại còn chật chội ạ. Bác Hồ mỉm cười: - Chú nói mới đúng có một phần nhỏ thôi. Đối với các cháu

Bác Hồ với sự kiện lịch sử Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10-10-1954)

Mùa thu năm 1954, Bác Hồ với Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận và các đoàn thể từ “Thủ đô gió ngàn” Việt Bắc lại trở về giải phóng Thủ đô Hà Nội khỏi ách chiếm đóng của thực dân Pháp xâm lược; để rồi bước vào một giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam: Giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đấu tranh củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ trong cả nước, giải quyết những nhiệm vụ quan trọng từ chiến tranh chuyển sang hoà bình, tái thiết đất nước. Bác Hồ trong lễ duyệt binh ngày 1/1/1955 Trong thời điểm lịch sử bước ngoặt quan trọng này, Bác Hồ đã có nhiều cuộc họp với Trung ương và Hội đồng Chính phủ để giải quyết nhiều nhiệm vụ chính trị, quân sự, ngoại giao, an ninh, kinh tế, văn hoá, xã hội, nội vụ và tổ chức cán bộ…, đồng thời, tổ chức tiếp quản, giải phóng Thủ đô Hà Nội theo đúng Hiệp định Giơnevơ, nhanh chóng và có hiệu lực. Công tác tổ chức, bố trí cán bộ cách mạng trên cả nước được đặt ra và phải giải quyết kịp thời. Theo quyết định của Tru