Chuyển đến nội dung chính

Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào Bình dân học vụ

Người chỉ rõ: “Nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta…Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”.
Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(1)
Đó là lời nói thể hiện hoài bão lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Người đã dành trọn cả cuộc đời cho việc thực hiện hoài bão ấy. Ngay sau khi tuyên bố nước nhà được độc lập, một trong những nhiệm vụ cấp bách mà Người chỉ ra là “diệt giặc dốt” và Người đã phát động phong trào Bình dân học vụ. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin được giới thiệu  những chỉ đạo cùng với sự quan tâm của Người với phong trào Bình dân học vụ qua tài liệu lưu trữ.
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc hiếu học. Nhưng hơn tám mươi năm Pháp thuộc, thực dân Pháp đã câu kết với bè lũ phong kiến, địa chủ kìm hãm nhân dân ta trong vòng ngu dốt để đàn áp và bóc lột. Nạn mù chữ và thất học trầm trọng: 95% dân số không biết đọc, không biết viết.
Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Trong bản Tuyên ngôn, Người đã lên án và tố cáo chính sách ngu dân của thực dân Pháp với việc “chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học” trên đất nước ta. Theo thống kê cứ 3245 trẻ em mới có một trường học mà cứ 1000 dân thì có một nhà tù(2).
Ngày 3 tháng 9 năm 1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Hồ Chủ tịch đã nêu ra những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt nam Dân chủ Cộng hoà. Một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất, thiết thực nhất mà chính quyền Cách mạng vừa mới ra đời phải giải quyết trong hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn đó là “nạn dốt”. Người chỉ rõ: “Nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta…Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ” (3).
Hồ Chủ tịch nói chuyện với các học viên nhân buổi khai mạc lớp huấn luyện Bình dân học vụ khóa Hồ Chí Minh năm 1945.
Chiến dịch chống nạn mù chữ chính thức dược phát động từ ngày 8 tháng 9 năm 1945 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra các sắc lệnh: Sắc lệnh số 17 đặt ra một bình dân học vụ trong toàn cõi Việt nam; Sắc lệnh số 19 lập cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối; Sắc lệnh số 20 định rằng việc học chữ quốc ngữ từ nay bắt buộc và không mất tiền. Để phục vụ chiến dịch xoá mù chữ, Nha Bình dân học vụ được thành lập ngày 18 tháng 9 năm 1945. Khoá huấn luyện cán bộ bình dân học vụ đầu tiên mang tên Hồ Chí Minh mở tại Hà Nội. Ngày 4 tháng 10 năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời kêu gọi “Chống nạn thất học” gửi tới toàn thể quốc dân đồng bào: “…Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức, mới có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức vào bình dân học vụ…Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết đi” (4)
Theo lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch, phong trào Bình dân học vụ được nhóm lên, lan rộng, ăn sâu vào các thôn xóm. Bình dân học vụ trở thành một phong trào nhân dân thực sự với những hình thức tổ chức hết sức linh động, thích nghi với điều kiện sinh hoạt của nhân dân lao động. Người học là những em bé, những cụ già, đặc biệt rất nhiều chị em phụ nữ. Giáo viên là các thầy giáo dạy ở các trường học, là cán bộ các ngành, là học sinh, bộ đội, từ mọi tầng lớp nhân dân, từ những người vừa thoát nạn mù chữ, ai đọc thông viết thạo đều có thể trở thành giáo viên bình dân học vụ. Lớp học là trụ sở của các trường phổ thông, các cơ quan chính quyền, doanh trại quân đội, nhà của tư nhân, đình, chùa …Nhiều nơi lá chuối, mo nang được đem dùng thay cho giấy; gạch non, sắn khô thay cho phấn viết; mặt đất, tường nhà, vách đá, lưng trâu … thay cho bảng đen. Mọi bước đi của phong trào Bình dân học vụ đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, theo dõi, chỉ đạo và động viên. Người tới thăm rất nhiều lớp bình dân học vụ, mỗi một thành tích lớn nhỏ của bình dân học vụ đều được Người gửi thư khen ngợi. Người thường xuyên gửi thư động viên anh chị em giáo viên bình dân học vụ. Trong thư gửi anh chị em giáo viên bình dân học vụ ngày 1 tháng 5 năm 1946 Người viết: “ Anh chị em chịu cực khổ khó nhọc, hy sinh phấn đấu để mở mang trí thức phổ thông cho đồng bào, để xây đắp nền văn hoá sơ bộ cho dân tộc. Anh chị em làm việc mà không lương bổng, thành công mà không có tiếng tăm. Anh chị em là những người “ vô danh anh hùng”. Tôi mong rằng trong một thời gian ngắn, lòng hăng hái và sự nỗ lực của anh chị em sẽ có kết quả rất vẻ vang; Đồng bào ta ai cũng biết đọc, biết viết. Cái vinh dự đó thì tượng đồng, bia đá nào cũng không bằng.” (5)  Không chỉ động viên, khen ngợi, Người còn nhắc nhở anh chị em giáo viên vừa dạy, vừa học để nâng cao trình độ.
Diễu hành cổ động phong trào Bình dân học vụ năm 1946.
(Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Tài liệu ảnh Phông Bộ Ngoại giao,KH: 3373, 3379)
Chỉ một năm sau ngày phát động phong trào đã tổ chức được 75.000 lớp học với trên 95.000 giáo viên; trên 2.500.000 người biết đọc, biết viết.(6)  Mỗi khi phong trào bước sang một giai đoạn mới, Người lại gửi thư chỉ rõ cho cán bộ và giáo viên bình dân học vụ những công việc cần phải làm. Từ sau ngày toàn quốc kháng chiến, bình dân học vụ nhận thêm nhiệm vụ mới là trừ nạn mù chữ để đẩy mạnh kháng chiến với khẩu hiệu “Mỗi lớp học bình dân là một ổ tuyên truyền kháng chiến”. Trong thư gửi cho cán bộ và giáo viên bình dân học vụ khu III, Người chỉ rõ: “ Các lớp bình dân học vụ chẳng những dạy cho đồng bào học chữ, làm tính mà lại dạy thêm về công cuộc kháng chiến cứu nước, tăng gia sản xuất, giúp mùa đông binh sĩ, giúp đồng bào tản cư”(7)
Năm 1948 với phong trào thi đua yêu nước mà Người đề ra, bình dân học vụ chuyển sang một giai đoạn mới. Trong thư gửi cho anh chị em bình dân học vụ nhân dịp phát động phong trào thi đua ái quốc và kỷ niệm ngày Độc lập 2 tháng 9 năm 1948, Người chỉ rõ hướng đi tiếp theo của bình dân học vụ: “Trong phong trào thi đua ái quốc tôi mong các bạn cũng hăng hái xung phong. Vùng nào còn sót nạn mù chữ thì các bạn cố gắng thi đua diệt cho hết giặc dốt trong một thời gian mau chóng. Vùng nào đã hết nạn mù chữ, thì các bạn thi đua để tiến lên một bước nữa, bằng cách dạy cho đồng bào:
1-      Thường thức vệ sinh, để dân bớt ốm đau.
2-      Thường thức khoa học, để bớt mê tín nhảm.
3-      Bốn phép tính để làm ăn quen ngăn nắp.
4-      Lịch sử và địa dư nước ta (vắn tắt bằng thơ hoặc ca) để nâng cao lòng yêu nước.
5-      Đạo đức của công dân, để trở thành người công dân đứng đắn.” (8)
Như vậy bình dân học vụ không chỉ dạy cho dân biết đọc, biết viết mà còn phải dạy cho đồng bào kiến thức khoa học thường thức, nâng cao dần trình độ dân trí.
Người còn nhắc nhở mọi người, mọi đoàn thể phải đoàn kết, đồng tâm hiệp lực thì mục tiêu “Tất cả đồng bào Việt Nam từ 8 tuổi trở lên đều biết đọc, biết viết” sẽ hoàn thành thắng lợi.
Phong trào Bình dân học vụ được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Chính Phủ ngày càng phát triển. Từ 2,5 triệu người thoát nạn mù chữ năm 1946 tới năm 1948 là 6 triệu người và đến năm 1952 là 10 triệu người, chiến dịch xoá nạn mù chữ cơ bản được hoàn thành. Đi đôi với việc diệt giặc dốt, việc bổ túc văn hoá để củng cố sự đọc thông, viết thạo của những người đã thoát nạn mù chữ được tổ chức và đẩy mạnh, trình độ văn hoá của cán bộ và nhân dân lao động cũng được nâng lên.
Đã hơn sáu mươi năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào Bình dân học vụ, nền giáo dục Việt Nam đã có những phát triển vượt bậc. Từ chỗ 95% dân số mù chữ, đến nay cả nước đã cơ bản phổ cập giáo dục, mỗi năm có hơn 20 triệu học sinh, sinh viên các cấp học đến trường, đội ngũ giáo viên các cấp học cũng ngày càng phát triển về số lượng, nâng cao về chất lượng. Thấm nhuần tư tưởng của Người về phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, từ những kinh nghiệm của phong trào Bình dân học vụ, chúng ta hy vọng ngành giáo dục Việt Nam sẽ thực hiện thành công mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X đề ra: ” Phấn đấu xây dựng một nền giáo dục hiện đại, của dân, do dân, vì dân, bảo đảm công bằng về cơ hội học tập cho mọi người, tạo điều kiện để toàn xã hội học tập và học tập suốt đời, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”(9)./.
1. Hồ Chí Minh Toàn tập, NXBCTQG.H 1995, tập 4, tr.161
2. Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia III, Phông Bộ Giáo dục, hồ sơ 146.
3.  Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG. H 1995, tập 4, trang 8.
4. Sdd, trang 36
5. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Phông Bộ Giáo dục, Hồ sơ 2663
6. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Phông Bộ Giáo dục, Hồ sơ 146
7. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Phông Bộ Giáo dục, Hồ sơ 2663
8. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Phông Bộ Giáo dục, hồ sơ 2663.
9. Văn kiện Đại hội đại biểu tòan quốc lần thứ X, NXBCTQG, Hà nội 2006
Phạm Hải Yến –Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia III

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Nam Bộ trước khi sang Pháp đàm phán, năm 1946

Với tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự toàn vẹn lãnh thổ, đất nước được hòa bình, độc lập, thống nhất, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho đồng bào miền Nam những tình cảm thiêng liêng cao quý nhất, miền Nam luôn đặc biệt quan trọng trong suy nghĩ, hành động của Người. Trong quá trình hoạt động cách mạng, lãnh đạo đất nước, bằng những lời lẽ cao quý nhất, trang trọng, gần gũi, giản dị và tha thiết nhất, Người đã gửi nhiều bức thư, bức điện, hay thông qua những bài nói, bài viết, trả lời phỏng vấn… để ca ngợi tinh thần bất khuất, kiên cường cũng như lòng yêu nước sâu sắc của đồng bào, chiến sĩ miền Nam.  Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp kéo vào Sài Gòn gây hấn, tái chiếm Việt Nam. Với tinh thần "độc lập hay là chết", nhân dân Nam Bộ đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai. Trước khí thế chiến đấu kiên cường, anh dũng của quân và dân Nam Bộ chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng cho quân và dân

Bác Hồ đến với các cháu mồ côi ở Trại Kim Đồng

Một sáng đẹp trời, Bác Hồ đã đến với các cháu Trại Kim Đồng. Ngay từ phút đặt chân đến cổng trại nhìn bờ rào dăng dây thép gai, trong mắt Bác hiện lên sự nhức nhối. Nói với các cán bộ phụ trách, giọng Bác nhẹ nhàng, nhưng vô cùng thấm thía: - Đây là nơi nuôi dạy các cháu mồ côi, được mang tên liệt sĩ Kim Đồng, sao các cô, các chú lại rào dây thép gai như nhà tù thế này ? Chú Thuận thưa: - Dạ thưa Bác, cơ ngơi của thời đại cũ để lại đấy ạ ! Bác lắc đầu: Các cô, các chú phải tháo gỡ đám dây thép gai ngay. Chế độ cũ nhóm các cháu vào đây, chúng ta tiếp tục nuôi dạy vì tương lai các cháu. Bác đi vào từng căn phòng ở, phòng ăn, phòng học, nơi các cháu vui chơi. Bác khen: “Được cái gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ, nhưng còn - Bác hỏi cán bộ phụ trách Trại - còn thế nào, các cô, các chú biết không ? Mọi người nhìn Bác, vừa xúc động vừa lúng túng. Rồi chú Thuận mạnh dạn đáp ? - Thưa Bác, các cháu ở trại còn chật chội ạ. Bác Hồ mỉm cười: - Chú nói mới đúng có một phần nhỏ thôi. Đối với các cháu

Bác Hồ với sự kiện lịch sử Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10-10-1954)

Mùa thu năm 1954, Bác Hồ với Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận và các đoàn thể từ “Thủ đô gió ngàn” Việt Bắc lại trở về giải phóng Thủ đô Hà Nội khỏi ách chiếm đóng của thực dân Pháp xâm lược; để rồi bước vào một giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam: Giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đấu tranh củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ trong cả nước, giải quyết những nhiệm vụ quan trọng từ chiến tranh chuyển sang hoà bình, tái thiết đất nước. Bác Hồ trong lễ duyệt binh ngày 1/1/1955 Trong thời điểm lịch sử bước ngoặt quan trọng này, Bác Hồ đã có nhiều cuộc họp với Trung ương và Hội đồng Chính phủ để giải quyết nhiều nhiệm vụ chính trị, quân sự, ngoại giao, an ninh, kinh tế, văn hoá, xã hội, nội vụ và tổ chức cán bộ…, đồng thời, tổ chức tiếp quản, giải phóng Thủ đô Hà Nội theo đúng Hiệp định Giơnevơ, nhanh chóng và có hiệu lực. Công tác tổ chức, bố trí cán bộ cách mạng trên cả nước được đặt ra và phải giải quyết kịp thời. Theo quyết định của Tru