Mùa thu năm 1954, Bác Hồ với Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận và các đoàn thể từ “Thủ đô gió ngàn” Việt Bắc lại trở về giải phóng Thủ đô Hà Nội khỏi ách chiếm đóng của thực dân Pháp xâm lược; để rồi bước vào một giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam: Giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đấu tranh củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ trong cả nước, giải quyết những nhiệm vụ quan trọng từ chiến tranh chuyển sang hoà bình, tái thiết đất nước.
Bác Hồ trong lễ duyệt binh ngày 1/1/1955 |
Trong thời điểm lịch sử bước ngoặt quan trọng này, Bác Hồ đã có nhiều cuộc họp với Trung ương và Hội đồng Chính phủ để giải quyết nhiều nhiệm vụ chính trị, quân sự, ngoại giao, an ninh, kinh tế, văn hoá, xã hội, nội vụ và tổ chức cán bộ…, đồng thời, tổ chức tiếp quản, giải phóng Thủ đô Hà Nội theo đúng Hiệp định Giơnevơ, nhanh chóng và có hiệu lực. Công tác tổ chức, bố trí cán bộ cách mạng trên cả nước được đặt ra và phải giải quyết kịp thời. Theo quyết định của Trung ương, đồng chí Trần Quốc Hoàn được điều về làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Thường trực Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ đã quyết định: Bộ máy, chính quyền những ngày đầu tiếp quản, giải phóng Thủ đô Hà Nội là Uỷ ban Quân chính Hà Nội. Trong phiên họp ngày 11, 12 tháng 9 năm 1954, Hội đồng Chính phủ đã quyết định Thiếu tướng Vương Thừa Vũ là Chủ tịch Uỷ ban Quân chính Hà Nội. Ngày 28-9-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thăng cấp Thiếu tướng cho Đại tá Vương Thừa Vũ, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 (Sắc lệnh 217/SL). Hội đồng Chính phủ cũng đã quyết định thành lập Uỷ ban Hành chính Hà Nội, để triển khai mọi công việc hành chính ngay sau ngày Thủ đô được giải phóng. Uỷ ban Hành chính Hà Nội gồm: Chủ tịch Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Trần Danh Tuyên, các uỷ viên: Khuất Duy Tiến, Trần Văn Lai, Lê Quốc Thân, Hà Kế Tấn. Hội đồng Chính phủ cũng ban hành quy chế phối hợp hoạt động giữa Uỷ ban Quân chính Hà Nội với Uỷ ban Hành chính Hà Nội: Mọi hoạt động của Uỷ ban Hành chính Hà Nội phải chịu sự quyết định điều hành của Uỷ ban Quân chính Hà Nội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho các thành viên Chính phủ khẩn trương chuẩn bị các cơ quan Trung ương từ Việt Bắc chuyển về làm việc ở Thủ đô khi công tác tiếp quản Thủ đô đã hoàn tất. Người cũng yêu cầu ngành truyền thông, báo chí, xuất bản, giới văn nghệ sĩ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên các đoàn thể, các ngành, các giới thi đua gấp rút hoàn thành nhiệm vụ tiếp quản, giải phóng Thủ đô và chuyển các cơ quan, nhà máy, trường học, kho tàng… về Thủ đô Hà Nội.
Đầu tháng 10-1954, từ Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội, vượt sông Hồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Văn phòng Chính phủ đã sang thị trấn Sơn Tây. Người ở và làm việc tại thôn Phù Sa, xã Viên Sơn, thị trấn Sơn Tây, để kịp thời theo dõi tình hình và chỉ đạo mọi hoạt động cho ngày Thủ đô được giải phóng, để trong thời gian ít nhất, có thể xuôi theo đường quốc lộ 32, về Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, Từ Liêm, Cầu Giấy vào nội thành Hà Nội nhanh nhất. Người đã viết và chuẩn bị nhiều bài viết cho ngày Thủ đô giải phóng. Như các bài “Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng”, “Giữ gìn trật tự an ninh”, “Ổn định sinh hoạt”… với bút danh CB, đăng báo Nhân Dân số 237, ngày 10-10-1954, số 238, ngày 13-10-1954… và những ý tưởng để động viên tới từng giới, từng ngành, từng lứa tuổi, công chức, giáo viên, học sinh, thanh niên, công nhân, bác sĩ, bộ đội, công an, giới tu hành của các tôn giáo… đoàn kết mọi nguồn lực để tái thiết, xây dựng, bảo vệ Thủ đô sau ngày giải phóng.
Trong khi đó, tại Thủ đô Hà Nội, mọi lực lượng chính trị, quân sự, an ninh, các giới khẩn trương theo dõi tình hình rút lui, chuyển quân của giặc Pháp và quân đội, chính quyền nguỵ, không cho chúng phá hoại các công sở, nhà máy, di tích lịch sử văn hoá… Thành uỷ phân công cán bộ cùng toàn thể nhân dân chuẩn bị cờ, ảnh Bác Hồ, hoa, đón chào Đoàn quân của Bộ đội Cụ Hồ về tiếp quản, giải phóng Thủ đô, lễ mít tinh chào mừng ngày Thủ đô giải phóng.
Sáng 8-10-1954, các đơn vị quân đội chia làm nhiều hướng tiến vào ngoại thành Hà Nội, bao bọc nội thành các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, theo đường đê La Thành và ven sông Hồng, Hồ Tây.
6 giờ sáng 9-10-1954, quân đội ta tiến vào 5 cửa ô rồi toả đi tiếp quản nhà ga, Phủ Toàn quyền, khu Đồn Thuỷ, khu Bờ Hồ, Phủ Thống sứ.
16 giờ, quân đội Liên hiệp Pháp rời khỏi thành phố, qua cầu Long Biên sang Gia Lâm, để rời Hà Nội từ sân bay Gia Lâm, hay theo đường bộ ra cảng Hải Phòng, di chuyển theo đường biển vào phía Nam vĩ tuyến 17.
8 giờ sáng ngày 10-10-1954 bắt đầu một cuộc diễu binh lực lượng của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô thuộc Đại đoàn 308 đi trên các đường trung tâm của nội thành, rồi tiến vào cửa Đông Thành Hà Nội, thuộc quận Hoàn Kiếm và Ba Đình.
8 giờ 45 phút, cánh quân phía Nam diễu binh ở khu vực quận Hai Bà Trưng rồi chiếm lĩnh toàn bộ khu vực Đồn Thuỷ và nhà Đấu Xảo.
Trên các ngả đường đoàn quân diễu binh đi qua, nhân dân Hà Nội dâng hoa, cờ, ảnh Bác Hồ, hát ca và hô khẩu hiệu mừng Đoàn quân giải phóng, mừng Bác Hồ, Trung ương, Chính phủ… trở về Thủ đô, mừng Thủ đô sạch bóng quân thù.
Đúng 15 giờ ngày 10-10-1954, còi Nhà hát Lớn nổi một hồi dài. Hàng chục vạn nhân dân Thủ đô và các đơn vị quân đội trang nghiêm dự lễ chào cờ Tổ quốc bay trên cột Cờ Hà Nội, tại sân vận động Cột Cờ (chỗ đường Điện Biên Phủ, Trần Phú, Chu Văn An, Lê Hồng Phong ngày nay). Trong buổi lễ chào cờ, Chủ tịch Uỷ ban Quân chính Hà Nội – Thiếu tướng Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng.
Tổ quốc Việt Nam sẽ được sống trong niềm tin bất diệt, cảm xúc tự hào: Việt Nam – Chủ tịch Hồ Chí Minh – Thăng Long – Hà Nội./.
Trần Quang Vinh
Theo Báo Nam Định
Theo Báo Nam Định
Nhận xét
Đăng nhận xét