Chủ tịch Hồ Chí Minh là người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, đồng thời Người cũng là một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Những lời dạy của Người trong lĩnh vực này là những nguyên tắc lớn làm rường cột cho nền văn hóa văn nghệ Việt Nam. Và, chúng ta phải nghiêm túc nghiên cứu và học tập một cách có hệ thống những việc làm và lời dạy của Người đối với văn nghệ sỹ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa văn nghệ nước nhà.
Thiết kế, xây dựng một nền văn hoá mới
Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, năm 1941 trở về Tổ quốc, mặc dù bận rộn rất nhiều công việc chuẩn bị cho cách mạng giải phóng dân tộc, nhưng Người vẫn giành tâm trí thiết kế một nền văn hóa mới. Đó là nền văn hóa cách mạng, một nền văn hóa "Kháng chiến, kiến quốc". Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn dân tiến hành cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đưa cách mạng văn hóa lên đỉnh cao - văn hóa của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Sức mạnh của văn hóa truyền thống dân tộc, sức mạnh của nền văn hóa mới được xây dựng là yếu tố quan trọng quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc rằng, khi đã giành được chính quyền, đất nước có độc lập, tự do thì việc xây dựng một nền văn hóa mới là nhiệm vụ hết sức nặng nề, khó khăn, là một thách thức lớn đối với Đảng, đối với dân tộc. Độc lập - Tự do là giá trị văn hóa đỉnh cao, là lý tưởng mà Người đã cống hiến trọn đời, là nguyện vọng cháy bỏng của dân tộc Việt Nam, là sự nghiệp cách mạng mà đồng bào ta đã phải hy sinh không biết bao nhiêu xương máu mới giành được. Nền văn hóa mới - văn hóa "Kháng chiến, kiến quốc" nhằm bảo vệ thành quả cách mạng, đập tan văn hóa nô dịch của thực dân Pháp, xóa đi vết nhơ văn hóa của tàn dư phong kiến, xây mới những giá trị văn hóa cách mạng. Nền văn hóa mới phải tạo điều kiện cho công, nông, binh, cho toàn thể đồng bào của dân một nước độc lập, tự do được hưởng trọn vẹn, đầy đủ quyền độc lập, tự do đó. "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" - đó là chân lý văn hóa Hồ Chí Minh. Chân lý đó luôn luôn tỏa sáng đối với nhân loại yêu chuộng hòa bình trên hành tinh chúng ta. Theo Người, mất độc lập, tự do thì mất tất cả. Người đã viết: Xã hội thế nào, văn nghệ thế ấy. Văn nghệ của dân tộc ta vốn rất phong phú, nhưng dưới chế độ thực dân và phong kiến, nhân dân ta bị nô lệ, bị tồi tàn, không thể phát triển được. Trong kháng chiến, nhân dân ta vùng dậy phá ách nô lệ, giành lại tự do, nhờ vậy văn nghệ ta cũng được vươn mình giải phóng.
Trong diễn văn khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24-4-1946, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh vai trò, nhiệm vụ của văn hóa, của cán bộ văn hóa "phải làm thế nào cho văn hóa đi sâu vào tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, được lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Tâm lý của ta lại muốn lấy độc lập, tự do làm gốc. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Đồng thời, văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng mình. Đối với xã hội, văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc của mình. Muốn xây dựng con người mới, trước hết phải căn cứ vào đặc điểm tâm lý, "cội rễ" cốt cách con người hình thành nên bản sắc con người Việt Nam.
Xây dựng nền văn hóa mới, theo Hồ Chí Minh đó là một nền văn hóa của dân, do dân, vì dân. Người đã cống hiến trọn đời mình cho mục tiêu độc lập, tự do của dân tộc, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân xây dựng nền văn hóa mới cũng là để cho nhân dân được hưởng trọn vẹn quyền độc lập, tự do đó.
Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận...
Trong thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951, nói riêng về văn hóa nghệ thuật, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh:
“Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận
Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”(1)..
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định vai trò, nhiệm vụ của những người làm công tác văn hóa: “Ngòi bút của các bạn cũng là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”, “anh em văn hóa, trí thức cũng như những chiến sĩ anh dũng trong công tác kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”. Tư tưởng này trước khi phát biểu thành lời, từ những năm hai mươi của thế kỷ XX đã được thể hiện trong những hoạt động văn học nghệ thuật của Bác. Người đã kịch liệt đả kích chính sách ngu dân của thực dân Pháp thi hành ở các nước thuộc địa, tố cáo chúng chà đạp lên nền văn hóa cổ truyền của dân tộc, làm sỉ nhục dân tộc Việt Nam. Tư tưởng “văn hóa cũng là một mặt trận” của Bác biểu hiện một tinh thần chiến đấu không thỏa hiệp chống đế quốc và phong kiến, một niềm tin sắt đá vào lý tưởng và thắng lợi cuối cùng của cách mạng.
Văn hóa văn nghệ cũng là một mặt trận nên những người làm văn hóa văn nghệ cũng là chiến sỹ trên mặt trận ấy. Trong cuộc đời cách mạng và cầm bút, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là một chiến sỹ “biết xung phong” trên mặt trận hiểm nghèo chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Văn chương của Người sáng ngời chất “thép”. Những lời chỉ bảo của Người về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của người làm văn hóa văn nghệ là những lời tâm huyết, hết sức ân cần, từ cuộc sống phong phú, kỳ vĩ của Người, vạch rõ phương hướng rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng những người làm công tác văn hóa văn nghệ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt vị trí của văn hóa trong mối quan hệ mật thiết, ngang hàng với kinh tế, chính trị: "Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cần chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa nhưng văn hóa là kiến trúc thượng tầng, những cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi, văn hóa mới kiến thiết được".(2) Coi trọng và thường xuyên quan tâm theo dõi mặt trận văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời cũng chỉ rõ mối quan hệ giữa mặt trận văn hóa và mặt trận kinh tế, chính trị. Văn hóa cũng là một mặt trận như kinh tế, chính trị, nhưng văn hóa phải do chính trị lãnh đạo và phải lấy kinh tế làm cơ sở. Cho đến Di chúc, Người cũng vẫn căn dặn: “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Văn hóa do cơ sở kinh tế quyết định nhưng nó ảnh hưởng ngược trở lại kinh tế. Ở nước ta, tác dụng khai sáng, mở đường của văn hóa rất to lớn. Đấu tranh trên mặt trận văn hóa chống văn hóa phong kiến, văn hóa thực dân cũ và mới suốt trong quá trình cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đều rất quyết liệt. Văn hóa cách mạng tỏa sáng từ Nguyễn Ái Quốc đã nuôi dưỡng và gieo hạt giống cho công cuộc giải phóng nước nhà. Khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội, văn hóa văn nghệ hướng tới “ca tụng chân thật những người mới, việc mới chẳng những để làm gương mẫu cho chúng ta ngày nay, mà còn để giáo dục con cháu ta đời sau”. Đồng thời “phê bình nghiêm khắc” những thói hư tật xấu như: “tham ô, lãng phí, lười biếng, quan liêu...”, nhằm làm cho xã hội ta ngày càng lành mạnh và tốt đẹp hơn.
Những bài học lớn
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở văn nghệ sỹ, các nhà báo khi nói, khi viết phải lưu ý tự trả lời 3 câu hỏi:
“ - Viết cho ai xem?
- Viết để làm gì?
- Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc”
Các đồng chí ở gần Người trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, vẫn thường kể lại câu chuyện, nhiều lần viết xong một bài với ý định phổ biến tuyên truyền rộng rãi, Bác vẫn hay đưa cho một đồng chí giúp việc trong văn phòng, trình độ văn hóa thấp đọc trước. Sau đó Người hỏi lại, nếu chỗ nào đồng chí đó chưa hiểu, Bác sửa lại cho đến lúc đồng chí thật hiểu mới thôi.
Văn thơ của Bác giản dị, trong sáng và hùng hồn, phong phú tài liệu thực tế, xác thực đến từng tên tuổi, con số, có kết cấu tài tình, có tư tưởng cao đẹp. Dù xa Tổ quốc 30 năm, văn thơ của Bác vẫn đậm đà bản sắc dân tộc. Ngôn ngữ của Người phong phú, ý vị như ngôn ngữ của người dân quê Việt Nam. Người khéo dùng tục ngữ, ca dao, thường có lối châm biếm, ví von kín đáo và thú vị. Người đã tự trau dồi cho mình một thế giới quan và một nhân sinh quan, một vốn sống hết sức phong phú, một kiến thức rất toàn diện và đặc sắc về chính trị, về văn học nghệ thuật cổ - kim - đông - tây, một lý trí đặc biệt sáng suốt, một tình cảm hết sức dồi dào, lại có một cảm xúc nghệ thuật tinh tế, một trí tưởng tượng mới mẻ, một tinh thần lao động không mệt mỏi. Kết hợp truyền thống lao động tốt đẹp của dân tộc với tinh hoa của thời đại. Người cũng là hiện thân của sự hòa hợp tinh hoa của hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Nhưng Người không hề tỏ ra mình là trí thức, trái lại, Người biết diễn đạt những việc phức tạp thành những điều dễ hiểu, rõ ràng bằng lời ăn tiếng nói của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất coi trọng tính chất dân tộc. Người dạy: “Nghệ thuật của cha ông hay lắm, tốt lắm”, “làm công tác văn nghệ mà không tìm hiểu sâu sắc vốn của dân tộc thì không làm được”. Bác căn dặn: “Âm nhạc của dân tộc ta rất độc đáo. Bác đã đi nhiều nước trên thế giới, nhưng Bác vẫn nhớ những câu hát của dân ta. Ta có nhiều câu hát dân ca hay lắm. Bây giờ phải khai thác và phát triển nó lên”. Bác cho rằng, sở dĩ Truyện Kiều hay và hấp dẫn người đọc vì lời ăn tiếng nói của nhân vật nào đều sát với hoàn cảnh của nhân vật ấy”, và “không ai đọc là không thấy tình cảm của mình ít nhiều trong đó”(3). Cho đến hôm nay, ở thời điểm đầu thế kỷ XXI, khi mà trình độ văn hóa, mặt bằng dân trí của nước ta đã phát triển khá xa so với thế kỷ XX, thì rõ ràng đối với quảng đại quần chúng, công tác văn hóa văn nghệ... vẫn rất cần bám sát phương châm của Bác Hồ: dễ đọc, dễ nghe, để dễ làm và làm cho đúng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ công tác văn hóa, người sáng tác văn học, nghệ thuật, báo chí... phải ba cùng với nhân dân. Có như vậy mới nói được tiếng nói của nhân dân, thở hơi thở của nhân dân, mới nói lên được ước vọng của nhân dân. Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng. Bác chỉ rõ: “Quần chúng mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thật và phong phú, có hình thức trong sáng và vui tươi. Khi chưa xem thì muốn xem, xem rồi có bổ ích”(4). “Nội dung chân thật và phong phú” đó, như Bác đã nói và đã làm là: “chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. “Hình thức trong sáng và vui tươi” đó, như trong các tác phẩm và trong các lời chỉ dẫn của Bác là: sinh động, hấp dẫn, dễ đọc và có nhiều mẩu chuyện; mỗi tác phẩm một vẻ, luôn luôn có sáng tạo; lôi cuốn ngay từ dòng đầu. Bác không lý luận nhiều về mối quan hệ biện chứng nội tại giữa nội dung nghệ thuật và hình thức nghệ thuật. Bác chỉ nói: tác phẩm phải hấp dẫn và có ý nghĩa giáo dục. Bác đề ra cho văn nghệ nhiệm vụ phải miêu tả cho hay, cho chân thật và cho hùng hồn. Theo quan điểm của Bác, những cái đó cũng không được tách rời nhau. Chức năng giáo dục và chức năng thẩm mỹ, tính tư tưởng và tính nghệ thuật thống nhất với nhau. Ph. Ăng-ghen cho rằng, nghệ thuật không nên đơn giản chỉ là “cái loa của tinh thần thời đại”; nghệ thuật phải đem đến cho con người những tình cảm sâu sắc chứ không chỉ những tư tưởng rất kêu và trần trụi. Đương nhiên, coi trọng hình thức nghệ thuật hoàn toàn không có nghĩa là không có thái độ phê phán, phủ định đối với các trường phái hình thức chủ nghĩa trong nghệ thuật như chủ nghĩa lập thể, chủ nghĩa vị lai và bao nhiêu thứ “chủ nghĩa hiện đại” khác. Bởi vì các trường phái nghệ thuật kể trên khó hiểu và xa lạ đối với quần chúng. Bác yêu cầu những người làm công tác văn hóa, văn học - nghệ thuật phải tích cực học tập chuyên môn, trau dồi đạo đức cách mạng, học ở trường, học ở sách vở và đặc biệt là phải học ở nhân dân, vì nhân dân là người chân thật, giản dị, vừa là đối tượng, vừa là mục tiêu của văn hóa. Người yêu cầu cán bộ văn hóa phải thường xuyên trau dồi chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vì đó là đỉnh cao của khoa học, của văn hóa. Chỉ có nắm vững nguyên lý của chủ nghĩa ấy mới xây dựng và phát triển được nền văn hóa của dân, do dân, vì dân.
Như vậy, bài học lớn nhất trong các bài học mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy cho những người cầm bút chúng ta là, văn hoá văn nghệ trước hết phụ thuộc vào tầm vóc tư tưởng, tâm hồn, nhân cách của người cầm bút. Sáng tác văn nghệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng phong phú và cao đẹp, bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh là người xây dựng nên sự nghiệp giải phóng dân tộc, là chiến sỹ lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế, là tấm gương tiêu biểu cho tinh hoa đạo đức cổ truyền dân tộc, là nhà hiền triết và nhà văn lớn trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Văn chương, nghệ thuật cũng như chính luận của Người hết sức phong phú, đa dạng cả về nội dung lẫn hình thức, nhưng chỉ nhằm một mục đích duy nhất là phục vụ sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Văn chương của Người chở cái đạo lớn của thời đại, nói lên cái chí lớn vì nước, vì dân, vì cả loài người. Nó tiêu biểu cho tư duy của thời đại mới, hiện thân của nền văn hóa mới, mẫu mực của con người mới, nên văn chương của Người cao đẹp và tuyệt vời, mãi mãi soi sáng và nâng cao tâm hồn dân tộc Việt Nam.
Tỏa sáng con đường chúng ta đi
Từ trong ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa văn nghệ, Đảng ta đã ra nhiều chỉ thị, nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Mục tiêu là: xây dựng nền văn hóa, phát huy chủ nghĩa yêu nước, truyền thống đại đoàn kết dân tộc, ý thức độc lập tự chủ, tự cường để bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001-2010 của Đảng ta đã nhấn mạnh: Làm cho văn hóa thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người, hoàn thiện hệ giá trị mới của con người Việt Nam, kế thừa các giá trị truyền thống của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của loài người, tăng sức đề kháng chống văn hóa đồi truỵ, độc hại. Nâng cao tính văn hóa trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và sinh hoạt của nhân dân.
Xây dựng nền văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội và con người trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội. Đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa đại chúng và môi trường văn hóa lành mạnh. Xúc tiến xã hội hóa hoạt động văn hóa, nghệ thuật với bước đi thích hợp cho từng loại hình, từng vùng. Mở rộng giao lưu văn hóa, thông tin với thế giới.
Sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc do Đảng lãnh đạo, toàn dân tham gia trong những năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn. Song bên cạnh đó, chúng ta nhận thấy còn không ít hạn chế. Đó là tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và quần chúng. Chủ trương mở cửa hội nhập kinh tế, văn hóa, mặt trái của nó đã xuất hiện xu hướng lai căng, Tây Âu hóa, Đông Âu hóa... Các xu hướng đó đã dẫn đến làm nghèo đời sống văn hóa tinh thần, xâm phạm bản sắc văn hóa dân tộc, làm giảm mức hưởng thụ và năng lực sáng tạo văn hóa của quần chúng.
Có nhiều nguyên nhân đưa đến tình hình trên, trong đó có những công tác thuộc lĩnh vực văn hóa thông tin cần được khắc phục. Đời sống văn hóa của đại đa số nhân dân đã được cải thiện đáng kể nhưng mức độ hưởng thụ văn hóa đang có sự chênh lệch ngày càng cao giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là giữa thành thị với miền núi. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã thu được kết quả, nhưng chưa có chiều sâu, nhiều nơi còn nặng về hình thức. Phong trào chưa thực sự phát huy được sức mạnh của toàn dân, của các cấp các ngành, nên làm hạn chế hiệu quả của phong trào. Nhiều năm nay, nhất là những năm đổi mới, cách mạng diễn ra rất sôi động nhưng chưa có được tác phẩm văn học, nghệ thuật, phim ảnh… thực sự đáp ứng được nguyện vọng của công chúng. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến sự “xâm chiếm” màn hình của phim ảnh nước ngoài. Hoạt động văn hóa, nhất là khu vực dịch vụ văn hóa có nhiều bức xúc. Phim ảnh, băng đĩa… có nội dung thiếu tính nhân văn, tính giáo dục được bày bán công khai trên thị trường. Nhiều di tích văn hóa, di tích cách mạng, đình chùa, hang động, khu du lịch… bị xâm phạm. Hiện tượng chùa giả, đình giả nhằm mục đích buôn thần, bán thánh hoạt động mê tín dị đoan để trục lợi khá phổ biến. Công tác thi hành pháp luật, bảo vệ văn hóa chưa được thực hiện nghiêm minh, trình độ cán bộ văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp với các cấp chính quyền địa phương. Hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật đang có xu hướng nặng về thương mại hóa, xem nhẹ nhiệm vụ phục vụ đông đảo quần chúng. Phong cách, trang phục biểu diễn chạy theo xu hướng lai căng, học đòi bắt chước, thiếu tính thẩm mĩ, tính giáo dục, gây nên phản ứng khó chịu cho đông đảo khán giả.
Sự thực đó đòi hỏi chúng ta càng phải nghiêm túc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhất là trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ, nhằm chấn hưng nền văn hóa văn nghệ nước nhà, góp phần quan trọng vào thắng lợi của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984, t5, tr19(2) Hồ Chí Minh: Về công tác văn hoá văn nghệ, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1971, tr70(3) Xem: Bác Hồ ở Việt Bắc, Nxb Việt Bắc, 1975, tr11(4) Hồ Chí Minh: Về công tác văn hoá văn nghệ, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1971, tr64
Nhận xét
Đăng nhận xét