Chuyển đến nội dung chính

Chuyến công du đối ngoại bí mật lịch sử của Hồ Chí Minh

Chuyến đi tới Trung Quốc và sau đó là Liên Xô của Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu thập niên 1950 có ít người biết tới. Song đây là bước đi ngoại giao quan trọng thu hút sự ủng hộ của Trung Quốc, Liên Xô đối với cách mạng Việt Nam.

P/v TTXVN xin lược dịch nghiên cứu về chuyến đi này của Nhà Việt Nam học Nga Anatoli Sokolov:

Sau Chiến tranh Thế giới thứ II, quan hệ giữa Liên Xô và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ chưa được thiết lập. Liên Xô còn bận khôi phục nền kinh tế đổ nát và cuộc sống bình thường. Lợi ích địa chính trị cơ bản và chính sách đối ngoại của Liên Xô khi đó tập trung vào châu Âu. Điện Kremlin không có thông tin về tình hình tại Đông Dương cũng như Đảng Cộng sản Đông Dương. Vì thế, để khôi phục mối quan hệ liên đảng, liên chính phủ, hội nhập Việt Nam vào phong trào cộng sản thế giới và phe chủ nghĩa xã hội, lãnh tụ Việt Nam Hồ Chí Minh đã quyết định tới Trung Quốc và Liên Xô gặp gỡ các nhà lãnh đạo 2 nước này.

Ngay sau khi tuyên bố Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có ý định thiết lập quan hệ với lãnh đạo Xô Viết. Đầu tiên là tháng 9 và sau đó là tháng 10, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cho I. V. Stalin với hy vọng thu hút sự chú ý. Tuy nhiên Bác Hồ đã không nhận được hồi đáp.
Nhà lãnh đạo Stalin.

Trong tư liệu của Cơ quan tư liệu quốc gia lịch sử chính trị Nga (RGASPI) có những tài liệu gián tiếp xác nhận các nỗ lực nhằm thiết lập tiếp xúc liên đảng của Việt Nam với Liên Xô. Bởi vậy tháng 10/1948, Stalin đã chỉ thị cho đại diện của Xô Viết ở Trung Quốc thông báo với Mao Trạch Đông thông tin sau:

"Đã nhận được bức điện của Ngài ngày 22/8/1948. Những vấn đề trong bức điện gửi Ban chấp hành TƯ Đảng Cộng sản Liên Xô mà Ngài và Đảng Cộng sản Đông Dương đưa ra được xem là thích hợp để khởi động khi Ngài tới Moskva. Chúng tôi hy vọng tới thời điểm đó Ngài có thể có sự hỗ trợ cần thiết cho các đồng chí ở Đông Dương".   

Ngoài ra, lãnh đạo Xô Viết hiểu rõ trong tình hình hiện tại Việt Nam chỉ có thể trông đợi vào sự hỗ trợ của những người cộng sản Trung Quốc láng giềng.

Sau thắng lợi của cách mạng Trung Quốc năm 1949, Việt Nam có cơ hội mới để khôi phục quan hệ liên đảng không chỉ với ĐCS Trung Quốc, mà cả các đảng khác. Tới Bắc Kinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đương nhiên chuẩn bị để tới Moskva gặp lãnh đạo Xô Viết để thảo luận nhiều vấn đề quan trọng cho sự tồn tại của chính phủ dân chủ - nhân dân Việt Nam non trẻ trong bối cảnh cuộc đấu tranh cam go với thực dân Pháp, mà chiến hữu duy nhất khi đó là Trung Quốc cộng sản. Có lẽ, khả năng chuyến đi tới Liên Xô của Hồ Chí Minh đã được lãnh đạo ĐCS Trung Quốc thảo luận, trước tiên là với Lưu Thiếu Kỳ, khi đó là "người bảo trợ" thường trực cho những người Cộng sản Việt Nam trong các hoạt động đối ngoại.

Ngày 24/12/1949 tại Bắc Kinh diễn ra cuộc gặp giữa Đại sứ Liên Xô ở Trung Quốc N. Shibaev với Lưu Thiếu Kỳ, nội dung của nó được nhà ngoại giao Xô Viết thông báo như sau: "...Lưu Thiếu Kỳ bắt đầu nói với tôi rằng Hồ Chí Minh mới đây đã phái tới Bắc Kinh các đại diện của TƯ ĐCS Việt Nam, mang theo bức thư của Hồ Chí Minh gửi đồng chí Mao Trạch Đông, trong đó đề nghị Liên Xô và Trung Quốc công nhận chính phủ của Hồ Chí Minh. Lưu Thiếu Kỳ đã thông báo nội dung bức thư tới Đồng chí Mao Trạch Đông ở Moskva [tới thăm ngày 16/12]. Các đồng chí Trung Quốc cũng đã quyết định tăng cường liên lạc với Hồ Chí Minh, để trong thời gian sắp tới gửi tới Hồ Chí Minh nhóm các đồng chí của mình, trang bị điện đài mạnh và mật mã".
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch ĐCS Trung Quốc Mao Trạch Đông, Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ, Tổng tư lệnh Chu Đức chụp ảnh nhân dịp Người sang dự lễ kỷ niệm 10 năm Quốc khánh Trung Quốc vào cuối tháng 9/1959.

Trên thực tế cũng vào ngày đó tại Moskva diễn ra cuộc gặp thứ 2 giữa Stalin và Mao Trạch Đông, trong đó thảo luận vấn đề quan hệ giữa ĐCS Trung Quốc với các đảng cộng sản khác như Việt Nam, Ấn Độ, Nhật Bản.

Ngày 29/12, người đứng đầu Cục dịch thuật tiếng Nga trực thuộc TƯ Đảng Cộng sản Trung Quốc Zhang Xizhou (còn gọi là Guysky) trong cuộc nói truyện với Đại sứ Shibaev cho biết ngày 29/12 đã diễn ra cuộc họp của Bộ chính trị TƯ ĐCS Trung Quốc để xem xét đề xuất của Mao Trạch Đông công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về ngoại giao. Guysky còn chỉ ra rằng Bộ chính trị ĐCS Trung Quốc đã quyết định công nhận và điều này sẽ sớm diễn ra.

Ngày 31/12, Ngoại trưởng Trung Quốc Chu Ân Lai trong cuộc thảo luận với ông Shibaev cho biết Hồ Chí Minh chuẩn bị bố cáo với tất cả các nước trên thế giới về việc công nhận chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và ngay sau khi có thông báo này, chính phủ Trung Quốc sẽ ngay lập tức công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Những ngày đầu năm 1950, Hồ Chí Minh chuẩn bị thư và ký sắc lệnh. Chiều 2/1, Người rời an toàn khu ở tỉnh Tuyên Quang, và hướng tới cửa khẩu biên giới Trùng Khánh. Người bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc và Liên Xô.

Chuyến đi của Bác Hồ được tiến hành bí mật để đảm bảo an toàn do binh sĩ Pháp kiểm soát chặt chẽ đường biên giới với Trung Quốc và tại lãnh thổ mới giải phóng của Trung Quốc vẫn còn các băng nhóm và binh sĩ Quốc Dân Đảng còn sót lại.

Tổng cộng đoàn gồm 9 người: Hồ Chí Minh, Trần Đăng Ninh, phiên dịch Phạm Văn Khoa, bác sĩ Lê Văn Chánh, bảo vệ Nhật. Nhóm công tác gồm Đại tá Lâm Kính, trợ lý kiêm phiên dịch Lê Phát, vận hành máy vô tuyến Ngô Vi Thiên (cũng là trợ lý cho Trần Đăng Ninh), vận hành máy vô tuyến Nhiệm.

Ngay khi bắt đầu chuyến đi, ngày 6/1, báo "Sự thật", cơ quan ngôn luận trung ương của ĐCS Đông Dương đã công bố bức điện mừng của Hồ Chí Minh, thay mặt nhân dân Việt Nam, gửi I. V. Stalin nhân sinh nhật thứ 70 của ông.

Theo nhà sử học Mỹ William Dyuker, trong thời gian tới Nam Ninh, đoàn Việt Nam được thông báo rằng ngày 19/1, chính phủ Trung Quốc đã quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, như vậy Trung Quốc là nước đầu tiên công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

12 giờ ngày 22/1, phái đoàn Việt Nam tới Bắc Kinh. Trung Quốc tìm cách giữ bí mật chuyến đi của Hồ Chí Minh, song các cơ quan tình báo nước ngoài vẫn biết và thông tin này sớm xuất hiện trên báo phương Tây.

Việc Hồ Chí Minh tới Bắc Kinh được ghi trong hồi ký của Viện sĩ Trung Quốc học lớn nhất của Nga, S. L. Tikhvin khi đó làm việc ở Trung Quốc. Ông viết: "Tháng 1/1950 tôi nhận được cuộc gọi nói rằng một đồng chí Việt Nam muốn gặp tôi. Cuộc gặp diễn ra vào buổi chiều. Đó là Hồ Chí Minh, chuẩn bị tới Moskva để gặp Stalin. Câu chuyện diễn ra bằng cả tiếng Trung, tiếng Pháp và tiếng Nga. Hồ Chí Minh chủ yếu hỏi các câu hỏi về tình hình thế giới, tình hình kinh tế và công cuộc xây dựng sau chiến tranh của Liên Xô. Rõ ràng tôi có cảm tưởng ông ta có rất ít thông tin về cuộc sống hiện nay tại Liên Xô. Hồ Chí Minh cháy bỏng mong ước gặp Stalin để thảo luận quan hệ giữa 2 nước, khả năng và triển vọng ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống Pháp... Đó là người rất dễ gần và giản dị, dù ở cương vị cao. Trong cuộc gặp, Hồ Chí Minh tặng tôi một đồng tiền vàng nhỏ, giống như mề đay, và nói khi nào đến Việt Nam, chỉ cần cho người Việt Nam xem cái này tôi sẽ nhận được bất cứ sự ủng hộ và giúp đỡ nào". Ngay sau đó, Hồ Chí Minh đi Moskva.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trên lễ đài cuộc mít tinh kỷ niệm 10 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. (Bắc Kinh tháng 10 - 1959).

Ngay sau khi Hồ Chí Minh tới Bắc Kinh, ngày 18/1 đã diễn ra một cuộc thảo luận nữa giữa Lưu Thiếu Kỳ và Đại sứ Shibaev. Nhà lãnh đạo Trung Quốc thông báo Hồ Chí Minh đã gửi bố cáo và ngày 14/1 gửi điện cho chính phủ Trung Quốc, đề nghị công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đồng thời ông đề nghị chính phủ Trung Quốc chuyển bố cáo đề nghị công nhận này cho chính phủ Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân. Lưu Thiếu Kỳ cho biết chính phủ Trung Quốc đã quyết định công nhận chính phủ Hồ Chí Minh, điều được thông báo cho Mao Trạch Đông ở Moskva.

Ngày 25/1, khi ở Bắc Kinh, Hồ Chí Minh nhận được điện của Stalin, cảm ơn lời chúc mừng nhân sinh nhật lần thứ 70. Bức điện này được đăng tải trên báo Sự thật. Ngày 30/1, chính phủ Liên Xô tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 1/2, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập ĐCS Việt Nam tại Bắc Kinh, do ĐCS Trung Quốc tổ chức. Cùng ngày, Đại sứ Shibaev nhận được bức điện của Stalin đề nghị thông qua Lưu Thiếu Kỳ chuyển cho Hồ Chí Minh. Bức điện viết:

"Đồng chí Hồ Chí Minh. Vài ngày trước đồng chí Mao Trạch Đông thông báo với tôi rằng đồng chí sẽ bí mật tới Moskva. Tôi đã trả lời rằng tôi không phản đối chuyến thăm này. Nếu sau công hàm công nhận Việt Nam của Liên Xô, ngài không thay đổi kế hoạch tới Moskva, tôi sẽ rất vui gặp ngài ở Moskva".

Điều này có nghĩa vấn đề Việt Nam đã được lãnh đạo Liên Xô và Trung Quốc thảo luận và chuyến thăm Moskva của Hồ Chí Minh được lên kế hoạch trước khi ông tới Trung Quốc. Ngày 3/2, Hồ Chí Minh rời Bắc Kinh, đi đoàn tàu đặc biệt của Trung Quốc đi Moskva. Cùng đi với Bác Hồ có ông Trần Đăng Ninh.

Ngày 7/2, từ Chita, Hồ Chí Minh gửi cho Stalin bức điện sau:

"1. Tôi hy vọng việc tôi đến Moskva là bí mật bởi 2 nguyên nhân. Thứ nhất việc tôi rời Việt Nam chỉ có một vài thành viên TƯ ĐCS và 2 thành viên chính phủ biết. Thứ 2, tôi cho rằng nếu người Pháp biết tôi rời Việt Nam, họ có thể có hành động chính trị-quân sự.

2. Ngày 3/2, tôi đã đề nghị theo radio quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về tính chất chuyến thăm Moskva của tôi. Tuy nhiên câu trả lời chỉ có thể tới Moskva không sớm hơn 10 ngày.

3. Nếu ngài, đồng chí Stalin hy vọng tốt nhất, rằng chuyến đi tới Moskva của tôi là chính thức, tôi tin tưởng ĐCS Việt Nam nhất trí với quan điểm của ngài.
4. Khi đến Moskva, tôi muốn Ngài cho phép tôi tới thẳng chỗ Ngài.

Gửi lời chào anh em. Hồ Chí Minh".

Tại Moskva, Hồ Chí Minh đã trở thành người đứng đầu nhà nước được Liên Xô công nhận. Hồ Chí Minh bay bằng máy bay từ Chita tới Moskva. Mikhail Suslov, khi đó là bí thư trẻ nhất của TƯ ĐCS Liên Xô, Tổng biên tập báo Pravda, đã phụ trách chuyến thăm của lãnh tụ Việt Nam tới Moskva. Trong những ngày đó, ông thông báo với một đồng nghiệp của mình trong TƯ ĐCS: "Cần nhanh chóng tới sân bay Vnukovo để gặp Hồ Chí Minh và để ông ta khỏi bị lạnh".

Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: "Trong một buổi gặp làm việc, nhìn thấy trên bàn (Stalin) có cuốn tạp chí Liên Xô, Hồ Chí Minh cầm lấy nó và đề nghị (Stalin) ký tặng. Stalin mỉm cười và thực hiện yêu cầu của ông, sau đó chuyển cho các đồng chí ngồi cạnh, Molotov, Kaganovich, để họ cùng ký. Hồ Chí Minh mang cuốn tạp chí này về phòng, nhưng ngày hôm sau nó biết mất". Các nhà nghiên cứu Việt Nam, tìm tòi tư liệu của Nga đã xác định rằng đó là cuốn tạp chí "Liên Xô trong xây dựng" số 11 xuất bản năm 1949. Trên bìa tạp chí in chân dung Stalin, dưới ghi dòng chữ: "Đồng chí Hồ Chí Minh yêu quý 10/02/1950". Ngoài ra còn có chữ ký của những người tham dự - V. M. Molotov, L. P. Beria, G. M. Malenkov, N. Bulganin, A. I. Mikoyan. Cạnh đó là 3 dòng bằng tiếng Trung, viết tay, nhiều khả năng của Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và Stalin.

Nhờ cuốn sách này, có thể biết rằng ngày 10/2, Hồ Chí Minh đã ở Moskva cùng thành phần tham gia cuộc gặp.

Stalin thường tiếp đoàn các nước XHCN tại Điện Kremlin. Sau buổi tiếp sẽ ăn trưa ở Phòng Ekaterina trong Điện Kremlin. Sau đó, Stalin, các lãnh đạo Liên Xô và đoàn đại biểu xem phim trong phòng ở tầng dưới. M. A. Menshikov nhớ lại, một lần sau khi hết phim, Hồ Chí Minh đã hỏi Vyszynski điều gì đó. Stalin thấy và gọi Wyshinsky đến hỏi: "Hồ Chí Minh muốn gì? Hãy hỏi thẳng tôi". Stalin không thích bị phá vỡ điều ông coi là nghi lễ. Câu chuyện này cho thấy tham gia cuộc thảo luận với Hồ Chí Minh có Ngoại trưởng A. Y. Vyshinsky và Bộ trưởng Thương mại khi đó M. A. Menshikov. Ngoài ra còn có Bí thư TƯ ĐCS Liên Xô N. S. Khrushchev mà trong hồi ký của ông có ghi những ấn tượng cá nhân đáng giá về lãnh tụ Việt Nam.

Được biết các nhà lãnh đạo Liên Xô và Việt Nam đã thảo luận trong buổi tiếp tại Điện Kremlin, mà ngày 16/2/1950 được chính phủ Xô Viết tổ chức để ký Hiệp ước Thân thiện giữa Liên Xô với Trung Quốc. Bên phía Liên Xô có sự tham gia của Stalin, Malenkov, Molotov, Khrushchev, các quan chức cao cấp khác của đảng, chính phủ và quân đội.

Tại buổi tiếp, Stalin xếp ngồi cạnh Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh và Chu Ân Lai. Theo các nhân chứng, nhà lãnh đạo Xô Viết có trạng thái tinh thần tốt và đã nói đùa với các vị khách. Khi lãnh tụ Việt Nam Hồ Chí Minh hỏi Stalin xem ông có chỉ thị gì cho mình, Stalin nói đùa: "Làm sao tôi có thể chỉ thị Ngài. Ngài là Chủ tịch theo vị thế còn cao hơn tôi". Hồ Chí Minh tiếp tục đùa: "Ngài đã ký thỏa thuận với các đồng chí Trung Quốc, vậy sao không ký thỏa thuận như vậy với chúng tôi khi tôi đang ở đây". Do Hồ Chí Minh thăm Liên Xô bí mật, Stalin nói: "Nhưng khi đó người ta có thể hỏi Ngài đến đây như thế nào?". Hồ Chí Minh đáp lại: "Ngài có thể đưa tôi lên máy bay, bay một vòng trên trời, sau đó đưa mọi người tới gặp tôi ở sân bay và thông tin cho báo chí. Mọi thứ sẽ ổn". Stalin cười và nói: "Bạn là những người phương Đông, có tưởng tượng thật đặc biệt".

Theo một số thông tin, sau buổi tiếp, Stalin mời Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh sang phòng làm việc để cùng thảo luận vấn đề hỗ trợ Việt Nam.

Đương nhiên, nội dung chính trong cuộc thảo luận giữa Stalin và Hồ Chí Minh là trao đổi thông tin. Nhà lãnh đạo Xô Viết không biết nhiều về tình hình Việt Nam và lãnh tụ Việt Nam cũng biết ít về Xô Viết. Trước thắng lợi của Cách mạng Trung Quốc năm 1949 nguồn tin chính về Đông Dương của Moskva là từ ĐCS Pháp, vốn cũng biết không nhiều về Việt Nam. Bởi vậy, Hồ Chí Minh chủ yếu nói với Stalin về tình hình Việt Nam, về cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp.

Bản thân Hồ Chí Minh chưa bao giờ kể công khai về cuộc gặp của ông với Stalin, tuy nhiên điều này được hé lộ trong tự truyện của tướng Võ Nguyên Giáp: "Trước đó Liên Xô không hiểu rõ về tình hình bên trong của cách mạng Việt Nam. Sau báo cáo của Hồ Chí Minh về tình hình (tại Việt Nam), Stalin đồng ý với đường lối chiến lược và chiến thuật của Đảng chúng ta trong những năm qua. Trong lĩnh vực quân sự, Stalin khuyên chỗ dựa chính là toàn bộ vùng rừng núi phía Tây, làm chủ khu vực này, sau đó có thể làm chủ toàn đất nước... Liên Xô chỉ trích chúng ta làm cách mạng nông nghiệp chậm. Stalin đưa ra 2 chiếc ghế và hỏi tôi: 'Ghế này là ghế nông dân, đây là ghế địa chủ, cách mạng Việt Nam ngồi vào ghế nào?'".

Liên quan tới sự trợ giúp anh em, Hồ Chí Minh cho biết "trước tiên Liên Xô cung cấp một trung đoàn pháo tầm xa 37mm, một số xe tải Molotov và thuộc men cho bệnh viện. Trung Quốc vũ trang cho một số sư đoàn bộ binh và các đơn vị pháo binh, và chuyển giúp hàng hóa của Liên Xô. Trung Quốc gửi sang các cố vấn quân sự, để chia sẻ kinh nghiệm của Quân Giải phóng Nhân dân. Trung Quốc đồng ý huấn luyện cán bộ, chúng ta gửi quân nhân tới Trường lục quân Vân Nam. Hồ Chí Minh cho biết cần nhanh chong sửa đường lên phía Bắc để tiếp nhận sự trợ giúp anh em".

Theo các nguồn của Việt Nam, trong thời gian đàm phán với Hồ Chí Minh, Stalin và Mao Trạch Đông thông báo sẽ cung cấp vũ khí cho 6 sư đoàn Việt Nam. Mao Trạch Đông xác nhận tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc sẽ trở thành hậu phương quân sự trực tiếp cho Việt Nam.

Ngày 17/2, Hồ Chí Minh, cùng với Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai lên tàu rời Moskva. Ngày 4/3, Hồ Chí Minh về tới Bắc Kinh và lưu lại ở đó hơn 1 tuần. Sau đó Bác Hồ thảo luận với Chu Ân Lai, gặp Lưu Thiếu Kỳ, Tham mưu trưởng Chu Đức và các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc. Ngày 19/3, Hồ Chí Minh cùng đoàn tùy tùng về Việt Nam, ngày 21/3 trở lại an toàn khu.


Duy Trinh 
(lược dịch)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Nam Bộ trước khi sang Pháp đàm phán, năm 1946

Với tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự toàn vẹn lãnh thổ, đất nước được hòa bình, độc lập, thống nhất, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho đồng bào miền Nam những tình cảm thiêng liêng cao quý nhất, miền Nam luôn đặc biệt quan trọng trong suy nghĩ, hành động của Người. Trong quá trình hoạt động cách mạng, lãnh đạo đất nước, bằng những lời lẽ cao quý nhất, trang trọng, gần gũi, giản dị và tha thiết nhất, Người đã gửi nhiều bức thư, bức điện, hay thông qua những bài nói, bài viết, trả lời phỏng vấn… để ca ngợi tinh thần bất khuất, kiên cường cũng như lòng yêu nước sâu sắc của đồng bào, chiến sĩ miền Nam.  Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp kéo vào Sài Gòn gây hấn, tái chiếm Việt Nam. Với tinh thần "độc lập hay là chết", nhân dân Nam Bộ đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai. Trước khí thế chiến đấu kiên cường, anh dũng của quân và dân Nam Bộ chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng cho quân và dân

Bác Hồ đến với các cháu mồ côi ở Trại Kim Đồng

Một sáng đẹp trời, Bác Hồ đã đến với các cháu Trại Kim Đồng. Ngay từ phút đặt chân đến cổng trại nhìn bờ rào dăng dây thép gai, trong mắt Bác hiện lên sự nhức nhối. Nói với các cán bộ phụ trách, giọng Bác nhẹ nhàng, nhưng vô cùng thấm thía: - Đây là nơi nuôi dạy các cháu mồ côi, được mang tên liệt sĩ Kim Đồng, sao các cô, các chú lại rào dây thép gai như nhà tù thế này ? Chú Thuận thưa: - Dạ thưa Bác, cơ ngơi của thời đại cũ để lại đấy ạ ! Bác lắc đầu: Các cô, các chú phải tháo gỡ đám dây thép gai ngay. Chế độ cũ nhóm các cháu vào đây, chúng ta tiếp tục nuôi dạy vì tương lai các cháu. Bác đi vào từng căn phòng ở, phòng ăn, phòng học, nơi các cháu vui chơi. Bác khen: “Được cái gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ, nhưng còn - Bác hỏi cán bộ phụ trách Trại - còn thế nào, các cô, các chú biết không ? Mọi người nhìn Bác, vừa xúc động vừa lúng túng. Rồi chú Thuận mạnh dạn đáp ? - Thưa Bác, các cháu ở trại còn chật chội ạ. Bác Hồ mỉm cười: - Chú nói mới đúng có một phần nhỏ thôi. Đối với các cháu

Bác Hồ với sự kiện lịch sử Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10-10-1954)

Mùa thu năm 1954, Bác Hồ với Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận và các đoàn thể từ “Thủ đô gió ngàn” Việt Bắc lại trở về giải phóng Thủ đô Hà Nội khỏi ách chiếm đóng của thực dân Pháp xâm lược; để rồi bước vào một giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam: Giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đấu tranh củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ trong cả nước, giải quyết những nhiệm vụ quan trọng từ chiến tranh chuyển sang hoà bình, tái thiết đất nước. Bác Hồ trong lễ duyệt binh ngày 1/1/1955 Trong thời điểm lịch sử bước ngoặt quan trọng này, Bác Hồ đã có nhiều cuộc họp với Trung ương và Hội đồng Chính phủ để giải quyết nhiều nhiệm vụ chính trị, quân sự, ngoại giao, an ninh, kinh tế, văn hoá, xã hội, nội vụ và tổ chức cán bộ…, đồng thời, tổ chức tiếp quản, giải phóng Thủ đô Hà Nội theo đúng Hiệp định Giơnevơ, nhanh chóng và có hiệu lực. Công tác tổ chức, bố trí cán bộ cách mạng trên cả nước được đặt ra và phải giải quyết kịp thời. Theo quyết định của Tru