Chuyển đến nội dung chính

Bác Hồ về nước - Bước ngoặt to lớn của cách mạng Việt Nam

Cùng với sự ra đời và trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự kiện ngày mùng 2 Tết Tân Tỵ (28/1/1941), Bác Hồ vượt qua biên giới Việt - Trung về nước là một trong những dấu ấn quan trọng, mở ra thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam, từng bước đưa dân tộc Việt Nam đi tới những mùa Xuân đất nước. Nhân dân các dân tộc Cao Bằng vinh dự, tự hào được thay mặt nhân dân cả nước đón Người trở về sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân. Từ đây, Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) trở thành đại bản doanh của căn cứ Việt Bắc, trở thành chiếc nôi của cách mạng Việt Nam.
Lán Khuổi Nặm, Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng) - nơi diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, từ ngày 10 - 19/5/1941, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Ảnh: Đặng tuấn
Lán Khuổi Nặm, Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng) - nơi diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, từ ngày 10 - 19/5/1941, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Ảnh: Đặng tuấn
Bác Hồ chọn Pác Bó để về nước hoạt động và xây dựng căn cứ địa cách mạng không phải sự lựa chọn tình cờ, ngẫu nhiên, mà là một sự tính toán kỹ, vì điểm đứng chân hết sức quan trọng, nó có ý nghĩa đối với sự phát triển về sau của cách mạng. Lúc đầu, Người dự kiến về nước theo một hướng khác, nhưng qua nghiên cứu kỹ truyền thống lịch sử, phong trào cách mạng và địa thế của Cao Bằng, với tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ thiên tài, Người nhận thấy Cao Bằng là nơi có nhiều yếu tố thuận lợi để xây dựng căn cứ địa cách mạng của cả nước.

Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới, có đường biên giới với Trung Quốc dài hơn 333 km, vừa có đường bộ, đường thuỷ sang Trung Quốc nên thuận lợi cho giao thông liên lạc; có các tuyến đường bộ đi xuống Lạng Sơn, Thái Nguyên… Địa thế Cao Bằng hiểm trở, ở các vùng cao, vùng sâu, vùng xa là địa bàn bọn thực dân Pháp khó kiểm soát. Từ Cao Bằng khi lực lượng cách mạng phát triển, cơ sở Việt Minh mở rộng có thể nhanh chóng “Đông tiến” xuống Lạng Sơn, “Nam tiến” xuống Thái Nguyên và “Tây tiến” sang Hà Giang, Tuyên Quang cũng như các tỉnh vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ.  Cao Bằng hội tụ đủ điều kiện trở thành một trong những bàn đạp chiến lược đầu tiên của thời kỳ khởi nghĩa vũ trang giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng góp phần đi đến quyết định của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là "Cao Bằng có phong trào tốt từ trước”, là nơi sinh sống của hàng chục vạn đồng bào các dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Mông, Kinh, Lô Lô, Hoa…, các dân tộc luôn đoàn kết gắn bó với nhau, một lòng theo Đảng, không ngừng đấu tranh chống thực dân, phong kiến. Từ tháng 10/1940, khi còn ở nước ngoài đang trên đường trở về Tổ quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”. Với nhận định đúng đắn đó, ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt qua mốc 108 (cũ) biên giới Việt - Trung về đến Pác Bó. Lòng bồi hồi, xúc động khi đặt bước chân đầu tiên lên dải đất quê hương, Người lặng đi trong phút giây thiêng liêng được về với Tổ quốc, với đồng bào sau gần 30 năm xa cách. Phút giây đó, sau này Người kể lại: “Bao nhiêu năm thương nhớ, đợi chờ. Hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cái bia giới tuyến, lòng Bác vô cùng cảm động”…

Những ngày đầu về nước, Bác ở nhà ông Lý Quốc Súng (Máy Lỳ), dân tộc Nùng, ở thôn Pác Bó. Sau đó, để tiện cho công tác, Người chọn hang Cốc Bó (tiếng Nùng có nghĩa là “đầu nguồn”) một hang núi kín đáo ở thôn Pác Bó, xã Trường Hà làm nơi sống và làm việc. Tại Pác Bó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (bí danh Già Thu) đã trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Từ ngày 10 - 19/5/1941, Bác Hồ triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Nghị quyết Hội nghị nêu rõ: Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể Quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất mang tên Việt Nam Độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) “nhằm liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, tôn giáo và xu hướng chính trị đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn”. Thông qua Chương trình Việt Minh gồm 6 phần do Nguyễn Ái Quốc chủ trì soạn thảo. Bầu Ban Chấp hành Trung ương, Ban Thường vụ, cử đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư của Đảng.

Ngày 6/6/1941, Bác viết thư “Kính cáo đồng bào” bằng chữ Việt và Hán, ký tên là Nguyễn Ái Quốc, gửi toàn thể nhân dân, kêu gọi toàn dân đoàn kết, cứu nước là việc chung. Người chỉ đạo chọn một số thanh niên Cao Bằng đi học lớp vô tuyến điện ở Liễu Châu, Trung Quốc, mỗi học viên đều có một tên mới, lý lịch mới. Người sáng lập báo Việt Nam Độc lập, viết nhiều bài theo thể lục bát hoặc văn vần cho dể nhớ, dể đọc, cổ vũ thanh niên học quân sự, ca ngợi “Dân cày”, đề cao phụ nữ, kêu gọi thiếu nhi, khuyên đồng bào đọc báo Việt Nam Độc lập, thống nhất hành động sẵn sàng cứu nước. Tháng 11/1941, Người chỉ đạo thành lập Đội vũ trang cách mạng đầu tiên ở Cao Bằng, viết cuốn “Cách đánh du kích” gồm 13 chương, soạn 10 điều kỷ luật và những nguyên tắc sinh hoạt của Đội, làm tài liệu mở lớp chính trị - quân sự trực tiếp huấn luyện cho các đội viên. Không chỉ trực tiếp tham gia giảng bài tại các lớp học, Người còn biên soạn một số tài liệu quan trọng phục vụ cho công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ, như: Lịch sử nước ta…

Bác Hồ về nước mùa Xuân năm 1941 là một sự kiện đặc biệt; khẳng định tầm nhìn xa trông rộng của Người, làm cơ sở vững chắc để toàn dân tộc tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công và tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cao Bằng vinh dự được đón Bác Hồ sau 30 năm Người ra đi tìm đường cứu nước trở về, được Bác chọn làm căn cứ địa cách mạng đầu tiên, cho đến khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và tiếp tục mở đường đi tới những thắng lợi huy hoàng cho cách mạng Việt Nam. Cao Bằng là nơi hiện thực hóa những tư tưởng chiến lược về cách mạng giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ mùa Xuân ấy, sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam do Bác Hồ trực tiếp lãnh đạo chuyển sang một thời kỳ mới - thời kỳ nhiệm vụ giải phóng dân tộc đặt lên hàng đầu. Để rồi đến mùa Xuân 1975, hoàn thành sự nghiệp giải phóng đất nước, thống nhất đất nước và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 Vinh dự và tự hào là “Chiếc nôi của cách mạng Việt Nam”, quê hương thứ hai của Bác, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng luôn phát huy truyền thống quê hương cách mạng, đoàn kết khắc phục khó khăn, cùng nhân dân cả nước giành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp với thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, nhân dân các dân tộc Cao Bằng tích cực xây dựng hậu phương vững mạnh, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, đóng góp xứng đáng cho ngày toàn thắng của dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng xây dựng hệ thống chính trị vững chắc, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực KT - XH, văn hóa xã hội, xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo...

Xuân Ất Mùi 2015, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân kỷ niệm 74 năm Ngày Bác Hồ về nước (28/1/1941 - 28/1/2015) - sự kiện lịch sử đã tạo ra những bước ngoặt to lớn cho cách mạng Việt Nam. Ghi nhớ công lao to lớn của Người, mỗi cá nhân và cả dân tộc Việt Nam tiếp tục nỗ lực phấn đấu, thực hiện tốt Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2011 - 2015.   
Tác giả bài viết: theo: Báo Cao Bằng

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Nam Bộ trước khi sang Pháp đàm phán, năm 1946

Với tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự toàn vẹn lãnh thổ, đất nước được hòa bình, độc lập, thống nhất, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho đồng bào miền Nam những tình cảm thiêng liêng cao quý nhất, miền Nam luôn đặc biệt quan trọng trong suy nghĩ, hành động của Người. Trong quá trình hoạt động cách mạng, lãnh đạo đất nước, bằng những lời lẽ cao quý nhất, trang trọng, gần gũi, giản dị và tha thiết nhất, Người đã gửi nhiều bức thư, bức điện, hay thông qua những bài nói, bài viết, trả lời phỏng vấn… để ca ngợi tinh thần bất khuất, kiên cường cũng như lòng yêu nước sâu sắc của đồng bào, chiến sĩ miền Nam.  Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp kéo vào Sài Gòn gây hấn, tái chiếm Việt Nam. Với tinh thần "độc lập hay là chết", nhân dân Nam Bộ đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai. Trước khí thế chiến đấu kiên cường, anh dũng của quân và dân Nam Bộ chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng cho quân và dân

Bác Hồ đến với các cháu mồ côi ở Trại Kim Đồng

Một sáng đẹp trời, Bác Hồ đã đến với các cháu Trại Kim Đồng. Ngay từ phút đặt chân đến cổng trại nhìn bờ rào dăng dây thép gai, trong mắt Bác hiện lên sự nhức nhối. Nói với các cán bộ phụ trách, giọng Bác nhẹ nhàng, nhưng vô cùng thấm thía: - Đây là nơi nuôi dạy các cháu mồ côi, được mang tên liệt sĩ Kim Đồng, sao các cô, các chú lại rào dây thép gai như nhà tù thế này ? Chú Thuận thưa: - Dạ thưa Bác, cơ ngơi của thời đại cũ để lại đấy ạ ! Bác lắc đầu: Các cô, các chú phải tháo gỡ đám dây thép gai ngay. Chế độ cũ nhóm các cháu vào đây, chúng ta tiếp tục nuôi dạy vì tương lai các cháu. Bác đi vào từng căn phòng ở, phòng ăn, phòng học, nơi các cháu vui chơi. Bác khen: “Được cái gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ, nhưng còn - Bác hỏi cán bộ phụ trách Trại - còn thế nào, các cô, các chú biết không ? Mọi người nhìn Bác, vừa xúc động vừa lúng túng. Rồi chú Thuận mạnh dạn đáp ? - Thưa Bác, các cháu ở trại còn chật chội ạ. Bác Hồ mỉm cười: - Chú nói mới đúng có một phần nhỏ thôi. Đối với các cháu

Bác Hồ với sự kiện lịch sử Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10-10-1954)

Mùa thu năm 1954, Bác Hồ với Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận và các đoàn thể từ “Thủ đô gió ngàn” Việt Bắc lại trở về giải phóng Thủ đô Hà Nội khỏi ách chiếm đóng của thực dân Pháp xâm lược; để rồi bước vào một giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam: Giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đấu tranh củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ trong cả nước, giải quyết những nhiệm vụ quan trọng từ chiến tranh chuyển sang hoà bình, tái thiết đất nước. Bác Hồ trong lễ duyệt binh ngày 1/1/1955 Trong thời điểm lịch sử bước ngoặt quan trọng này, Bác Hồ đã có nhiều cuộc họp với Trung ương và Hội đồng Chính phủ để giải quyết nhiều nhiệm vụ chính trị, quân sự, ngoại giao, an ninh, kinh tế, văn hoá, xã hội, nội vụ và tổ chức cán bộ…, đồng thời, tổ chức tiếp quản, giải phóng Thủ đô Hà Nội theo đúng Hiệp định Giơnevơ, nhanh chóng và có hiệu lực. Công tác tổ chức, bố trí cán bộ cách mạng trên cả nước được đặt ra và phải giải quyết kịp thời. Theo quyết định của Tru