ThS. Nguyễn Anh Minh
PGĐ Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Công tác vận động quần chúng, hay nói cách khác công tác “Dân vận” đóng vai trò rất quan trọng sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, là nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Kế thừa truyền thống của cha ông về tập hợp lực lượng quần chúng nhân dân trong lịch sử dựng nước và giữ nuớc của dân tộc và vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác Lê nin về công tác vận động quần chúng vào thực tiễn cách mạng nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết thành những quan điểm lý luận và thực tiễn sinh động về công tác vận động quần chúng, xây dựng lưc luợng cách mạng, Người nhấn mạnh: “việc dân vận rất quan trọng, dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”(1). Nhận thức sâu sắc vai trò của quần chúng nhân dân và công tác vận động quần chúng đối với việc xây dựng lực lượng cho cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm và chú trọng đến công tác dân vận, Đặc biệt là những năm đầu Người trở về Đất nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng. Có thể nói đây là thời kỳ vô cùng khó khăn đối với công tác vận động quần chúng, xây dựng lực lượng và căn cứ cách mạng của Đảng ta.
Ngày 28 tháng 1 năm 1941, Bác Hồ trở về nước sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã chọn Pác Bó thuộc huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng làm nơi ở và hoạt động cách mạng trong những ngày đầu tiên trở về nước. Pác Bó lúc bấy giờ là một làng nhỏ thuộc tổng Lục Khu gồm mấy chục gia đình Tày, Nùng chuyên sinh sống bằng nghề làm ruộng, phát nương làm làm rẫy, đây là một địa hình rừng núi tương đối hiểm trở nằm sát biên giới Việt Trung. Trong những ngày tháng ấy, nhân dân các dân tộc Tày, Nùng vùng Pác Bó - Hà Quảng đang phải chịu sự khủng bố, áp bức bóc lột nặng nề của Thực dân phong kiến tay sai và bọn thổ phỉ, đời sống của đồng bào dân tộc gặp vô cùng khó khăn, bên cạnh đó, do một số các hủ tục, tập quán địa phương còn chi phối nặng nề. Vì vậy, đây là một trở ngại, khó khăn rất lớn trong việc tiếp xúc với quần chúng tiến tới vận động quần chúng xây dựng cơ sở và căn cứ cách mạng.
Nắm bắt được những khó khăn trong việc tập hợp và vận động quần chúng nhất là ở vùng đồng bào các dân tộc, đồng thời chuẩn bị cho công tác tuyên truyền vận động quần chúng một cách hiệu quả, trước khi trở về Đất nước tại làng Nậm Quang (thuộc Tĩnh Tây, Trung Quốc) Người đã tổ chức một lớp huấn luyện chính trị cho các cán bộ đưa về đất nước tuyên truyền vận động, tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng. Từ lớp huấn luyện này những bài học về công tác vận động quần chúng được Bác căn dặn cán bộ rất cụ thể và thiết thực; 5 điều nên làm đối với dân là: Giúp dân những công việc thiết thực hàng ngày; tìm hiểu những phong tục tập quán, nghiêm túc chấp hành điều kiêng kỵ; học tiếng địa phương, dạy hát dạy chữ, gây cảm tình với dân; tuỳ nơi tuỳ lúc mà tuyên truyền cách mạng cho thích hợp; làm cho dân thấy mình đúng đắn, chăm công việc, trọng kỷ luật để dân tin và giúp đỡ... đây chính là tiền đề, là kim chỉ nam cho công tác dân vận trong những năm đầu Bác trở về nước.
Để vận động được quần chúng, tiến tới xây dựng lực lượng cách mạng, thì một trong những công tác ưu tiên trước mắt của Đảng lúc bấy giờ mà Người rất chú trọng là xây dựng một đội ngũ cán bộ dân vận, mà nòng cốt là những cán bộ ngay ở tại địa phương hiểu phong tục tập quán địa phương, hiểu được tâm tư và nguyện vọng của nhân dân, với phương châm: "Ta càng cố gắng đào tạo được nhiều cán bộ là người dân tộc bao nhiêu thì càng có lợi cho cách mạng bấy nhiêu, vì các đồng chí đó am hiểu địa phương hơn ta"(2). Sau Hội Nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, cùng với sự ra đời của Mặt trận Việt minh 19/5/1941, Người trực tiếp chỉ đạo việc cho mở các lớp huấn luyện về Chương trình Việt minh, Điều lệ của hội cứu quốc...cho các đồng chí cốt cán là người địa phương cũng như một số các đồng chí quần chúng trung kiên khác, những học viên phần lớn là người dân tộc, chữ quốc ngữ không biết, nghe tiếng phổ thông chưa rành, trình độ nhận thức còn thấp. Do đó vấn đề quan trọng đặt ra trong các thời kỳ huấn luyện là phải dạy chữ, dạy văn hoá cho người học và thông qua dạy văn hoá mà tuyên truyền đường lối cách mạng, vận động quần chúng. Từ những lớp học này những bài học bổ ích về công tác dân vận đã được Người truyền đạt cho các cán bộ, học viên: "Các chú không cần học lý luận cao xa đâu cả mà học ngay từ những cái hàng ngày mình vẫn thấy, vẫn gặp. Làm cán bộ thì phải sống với dân, thường xuyên thăm hỏi dân, có thế, khi các chú nói chính sách Việt Minh họ mới nghe, họ mới nhiệt tình ủng hộ, được dân tin, dân yêu, tức là ta đã có thêm một hàng rào sắt để tự bảo vệ"(3); Người căn dặn cán bộ làm dân vận: "Đi nói chuyện ở đâu, phải hiểu rõ trình độ dân nơi ấy, phải nói sao cho thiết thực, để đồng bào dễ hiểu, dễ nhớ, thì đồng bào mới theo mình được" (4)
Thời kỳ này, những lớp học như vậy đã đào tạo ra một đội ngũ cán bộ cho phong trào, cho cơ sở. Một số cán bộ lãnh đạo trong đó có các đồng chí Xứ uỷ được Người tổ chức và hướng dẫn học tập chủ nghĩa Mác- Lê nin, một số cán bộ thuộc huyện uỷ Hà Quảng (Cao Bằng) và mấy anh em khác được Bác hướng dẫn công tác vận động quần chúng, công tác tổ chức, sau đó đưa quần chúng ra đấu tranh từng bước sao cho sát hợp với hoàn cảnh khách quan, phù hợp với những yêu cầu thiết thực và cách đấu tranh chống kẻ địch khủng bố. Những cán bộ nhất là những cán bộ là người điạ phương được học tập qua những lớp huấn luyện đã phát huy hiệu quả, họ đi về các địa phương, đi vào quần chúng vận động quần chúng lập nên những tổ chức quần chúng theo cách mạng. Nhiều tổ chức quần chúng trong dưới sự lãnh đạo của Việt Minh được ra đời trong thời kỳ này như: Hội nông dân cứu quốc; Hội thanh niên cứu quốc; Hội lão nhân cứu quốc; Hội nhi đồng cứu quốc; Hội phụ nữ cứu quốc...
Bên cạnh việc mở các lớp huấn luyện cho cán bộ, các lớp dạy chữ, dạy văn hoá cho bà con ở địa phương, Người còn đề nghị mở các lớp dạy học cho trẻ em là con em đồng bào các dân tộc, những lớp học như vậy không chỉ giúp cho các cháu biết đọc, biết viết và hiểu biết thêm nhiều điều, mà còn xây dựng lòng tin của nhân dân đối với cách mạng, với nhận thức sâu sắc: "Đạo làm cha mẹ ai cũng muốn con em được ăn học, được no đủ. Con em nhân dân được đi học có nơi có chốn, họ sẽ yêu quý thầy giáo và giúp đỡ cách mạng"(5). Người thường nhắc nhở cán bộ: làm cách mạng thì nhất định phải khó khăn, đừng nên nhìn thấy những mặt thuận lợi, cán bộ ta còn nghèo, chưa thể có tiền để giúp đỡ nhân dân nhưng nhân dân có những yêu cầu và nguyện vọng mà cán bộ ta có thể giúp được, đó là việc dạy chữ, dạy văn hoá, dạy cho họ hiểu con đường cách mạng phải đi như thế nào... phát triển phong trào đến đâu cần tổ chức ngay lớp học đến đó. Việc tổ chức ra những lớp học như vậy trong thời kỳ đầu cũng gặp không ít những khó khăn. hồi ấy ở nhiều địa phương có phong tục hễ có khách đến nhà là họ tìm cách lánh mặt. Có nhiều đồng chí cán bộ người miền xuôi, xuống nhà đồng bào vận động cho con em ra lớp học nhưng hễ đến nơi thì chủ nhà thường đi lánh mặt, biết được điều đó Bác động viên: "Thế là do các chú không hiểu phong tục, tập quán của địa phương và chưa biết cách dân vận đó thôi"(6).
Trong những năm tháng ấy, Bác Hồ đã trở thành một cán bộ dân vận tận tuỵ, gần gũi và thân thiết với đồng bào các dân tộc, những cái tên Già Thu ,Ông Ké đã trở nên thân thuộc đối với mỗi bản làng và bà con các dân tộc. Người luôn quan tâm đến đời sống của đồng bào dân tộc, cùng chia sẽ những thiếu thốn, khó khăn vất vả với bà con. Cuộc sống và sinh hoạt của Bác những ngày tháng ở Pác bó khó khăn thiếu thốn đủ mọi thứ, Bác ăn uống kham khổ, thường chỉ có cháo bẹ, rau rừng, thỉnh thoảng kiếm được ít thịt, cá, Bác đem trộn lẫn với rất nhiều muối, ớt rang lên, đựng trong một ống nứa để ăn dần. Đồng bào rất thương Bác, quý Bác như người ruột thịt. Mọi người thường nâng niu cất giữ những đồ ăn thức uống ngon tìm cách mang lên biếu Bác, nhưng Bác thường nhẹ nhàng từ chối: " mọi người đều thiếu thốn cả, đừng lo cho Bác nữa, dân làng có gì Bác ăn thứ ấy"(7). Bác luôn tìm mọi cách để giúp đỡ đồng bào, Người vừa là thượng cấp vừa là thầy dạy học cho đồng bào, vừa là thầy thuốc chữa bệnh cho bà con các dân tộc. Bác thường mặc bộ Nùng màu chàm, tay ống rộng, đầu để trần, trông hệt như cụ già địa phương, lại rất yêu trẻ con, mỗi khi có dịp "xuống làng" bao giờ Bác cũng kiếm lá cây hoặc một vật gì đó làm thành đồ chơi để khi đến thăm hỏi các gia đình, làm quà cho các cháu, các cháu cứ quấn quýt bên Bác: "Trong vai ông Ké, chiếc khăn mặt vắt vai, Bác xuất hiện ở rất nhiều nơi có khi tham gia lao động với bà con dân bản, vừa làm vừa nói chuyện vui vẻ, thoải mái, có lúc vào cả gia đình, thăm già hỏi trẻ, hướng dẫn cách giữ gìn vệ sinh, khuyên khích học chữ quốc ngữ, giải thích chương trình Việt minh, nói chuyên tình hình trong nước và quốc tế... ai cũng quí Ông Ké, nghe lời dạy bảo của Ông" (8).
Từ thực tiễn công tác vận động quần chúng của Bác Hồ, cùng với những lớp huấn luyện cán bộ, đặc biệt là cán bộ là người dân tộc do Người khởi xướng đã phát huy hiệu quả công tác tập hợp quần chúng, đưa quần chúng vào tổ chức và phong trào. Nhờ vậy, các phong trào cách mạng của quần chúng đã ngày càng được mở rộng không chỉ ở các Châu trong tỉnh Cao Bằng mà lan sang nhiều các tỉnh bạn thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, tạo ra một lực lượng cách mạng đông đảo, rộng khắp, chuẩn bị lực lượng cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng tám. Có thể khẳng định công tác vận động quần chúng của Đảng và Bác Hồ trong những năm đầu Người trở về đất nước đã góp phần quan trong trong việc xây dựng lực lượng quần chúng sâu rộng, bảo vệ vững chắc căn cứ cách mạng còn non trẻ, đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cách mạng tháng tám năm 1945 .
Những kinh nghiệm và thực tiễn công tác vận động quần chúng của Bác Hồ trong những năm đầu Người trở về đất nước đã và đang là những bài học hết sức có ý nghĩa và có giá trị thực tiễn đối với công tác dân vận của Đảng ta hôm nay trong công tác vận động quần chúng thực hiện đường lối, chủ trương sách của Đảng và Nhà nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Đất nước vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh ./.
Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia- HN.2002, tr. 700.
(2)(3)(5)(6) Chúng ta có Bác Hồ, tập 2, NXB LĐ, HN.1970, tr. 8,9,11
(4) Chiếc áo Bác Hồ, NXB Thanh niên 1987, tr.32
(7) Người ở nguồn, NXB Phụ nữ, HN- 2004, tr.31
(8) Tấm lòng của Bác, NXB CAND. 2004, tr.38.
Nhận xét
Đăng nhận xét