Năm 1941, trở lại Việt Nam sau hơn 30 năm hoạt động ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chọn Pác Bó (Cao Bằng) làm nơi dừng chân đầu tiên. Pác Bó hội đủ các điều kiện để xây dựng căn cứ địa: phong trào nhân dân tốt, đồng bào các dân tộc Cao Bằng đã được giác ngộ, sẵn sàng đi theo cách mạng và kiên quyết bảo vệ cán bộ cách mạng; địa hình hiểm trở, phù hợp yêu cầu có thể tiến hoặc thoái khi cần; Pác Bó lại thông thương với Quảng Tây (Trung Quốc), nhân dân hai bên biên giới có truyền thống hỗ trợ, gắn bó lâu đời…
|
Lịch sử đã chứng minh sự lựa chọn của Nguyễn Ái Quốc là vô cùng chính xác, Pác Bó thật sự trở thành “đầu nguồn” của cách mạng Việt Nam.
Việc xây dựng căn cứ địa hay an toàn khu (ATK) là công tác quan trọng của Đảng và Chính phủ ta. Trong suốt thời kỳ tiền khởi nghĩa, Trung ương Đảng đã xây dựng được các cơ sở cách mạng, lập nên các ATK không chỉ ở rừng núi, mà trong lòng dân ở ngay vùng ven đô như Vạn Phúc, Hà Đông (Hà Nội), Đình Bảng, Từ Sơn (Bắc Ninh)… Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi mà các cơ quan Trung ương về Hà Nội, với tầm nhìn xa, trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn những đồng chí ưu tú, phân công ở lại Việt Bắc để xây dựng “hậu phương lưu trú”. Năm 1946, sau khi đi thăm nước Pháp về, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo khẩn trương di chuyển máy móc, công binh xưởng, đưa gạo muối… lên chiến khu Việt Bắc, chủ động chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Tối 19-12-1946, sau khi phát động toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh dời Vạn Phúc, Hà Đông, chuyển về Xuân Dương, Thanh Oai (Hà Nội). Cơ quan của Người di chuyển dần theo sự lan rộng của chiến sự, và tới tháng 5-1947, Người đã về đến Tân Trào (Tuyên Quang) - hạt nhân của căn cứ địa Việt Bắc, nơi tháng 8-1945, Người đã cử cán bộ ở lại xây dựng và củng cố căn cứ địa.
Các đồng chí trong Ban Công tác Đội Trung ương và những người đã có vinh dự bảo vệ, phục vụ, giúp việc Bác Hồ kể rằng: Cứ ba tháng một lần, dù không có dấu hiệu bị lộ, cơ quan cũng phải di chuyển. Trước khi đi, phải xóa sạch mọi dấu vết chứng tỏ nơi đó đã tồn tại một văn phòng. Cùng với việc xóa bỏ dấu vết lán trại, thì đồng thời vẫn phải trồng sắn, gieo rau. Có anh em thắc mắc: “Mai Bác cháu ta đi rồi thì gieo trồng làm gì?”. Bác giải thích: “Cơ quan mình đi, nhưng sẽ có cơ quan khác chuyển đến. Phải làm sao cho khắp rừng Việt Bắc này, chỗ nào cũng có hậu cần tại chỗ phục vụ kháng chiến”. (1)
Các nhân chứng kể rằng, rừng núi Việt Bắc bao la thế, nhưng chọn chỗ làm căn cứ cho Bác không dễ, vì phải cơ bản đáp ứng các tiêu chí do Bác đặt ra:
“Trên có núi, dưới có sông,
Có đất ta trồng, có bãi ta chơi
Tiện đường sang Bộ Tổng,
Thuận lối tới Trung ương
Nhà thoáng ráo, kín mái,
Gần dân, không gần đường” (2)
Chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ và 12 bộ, các đoàn thể Trung ương đóng rải rác khắp ATK, gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ. Trong đó, ba cơ quan trọng yếu là Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Thủ tướng, Bộ Quốc phòng, cơ bản di chuyển trong hai huyện Định Hóa (Thái Nguyên) và Sơn Dương (Tuyên Quang). Văn phòng Chủ tịch Phủ (mật danh: CQ 41), phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh thường sinh hoạt cùng Văn phòng Phủ Thủ tướng khi đó mang mật danh: Ban kiểm tra 12. (3)
Du khách tham quan bàn đá - nơi Bác ngồi làm việc trong những ngày ở Pác Bó. Nguồn: BÁO CAO BẰNG
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 20-7-1954, Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Theo hiệp định, Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Ở miền nam, người Mỹ dần thế chân người Pháp, với mưu đồ xây dựng nơi này thành phòng tuyến để ngăn chặn làn sóng của Chủ nghĩa Cộng sản. Như thế, tuy hòa bình đã được xác lập từ vĩ tuyến 17 trở ra, song nền hòa bình ấy thật sự rất mong manh.
Là một nhà hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn rèn cho mình và các cộng sự sự tỉnh táo và tinh thần chủ động. Có lần Người nói với chiến sĩ cảnh vệ: “Là công an thì phải luôn luôn tỉnh táo. Lúc có địch phải coi như không có địch, còn lúc không có địch cũng phải coi như có địch” (4). Một ngày sau khi quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ, ngày 8-5-1954, trong thư khen bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc, Bác Hồ đã viết: “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ… Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu” (5).
Tham dự hội nghị lần thứ sáu (mở rộng), Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, ngày 15-7-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc báo cáo quan trọng gồm hai phần: Tình hình mới và Nhiệm vụ mới. Ở phần Tình hình mới, sau khi giới thiệu thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, thái độ của Mỹ đối với Hội nghị, Người khẳng định: “Mỹ là kẻ thù chính của hòa bình thế giới… Mỹ đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Việt, Miên, Lào”. Từ tình hình đó, Người xác định: “Bất kì hòa bình hay chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước” (6).
Tình hình miền nam đã diễn ra đúng như Bác Hồ dự đoán!
Trong tình thế miền bắc vừa có hòa bình, vừa phải sẵn sàng giáng trả mọi hành động khiêu khích của bè lũ xâm lược, một mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng động viên toàn dân nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển sản xuất, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, một mặt chủ động xây dựng tiềm lực quốc phòng, chuẩn bị cơ sở vật chất để đủ sức ứng phó với tình hình mới. Việc nghiên cứu khảo sát xây dựng thêm căn cứ mới ở Sơn Tây (Hà Nội), đã được xác định trong bối cảnh đó.
Sơn Tây có sông Hồng, sông Đà bao bọc như hai tuyến phòng thủ tự nhiên, có núi Ba Vì và các dãy đồi liên hoàn kết nối với đồi núi của hai tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ tạo thành thế trận “Thiên la, địa võng”. Sơn Tây lại bao quanh Hà Nội, không bị chia cắt khỏi Hà Nội bởi địa hình sông ngòi lớn, cự ly không quá xa trung tâm Thủ đô… vì lẽ đó, cộng với truyền thống yêu nước, yêu Đảng của nhân dân Sơn Tây, mảnh đất này đã được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn để xây dựng căn cứ của Trung ương.
Với tác phong làm việc cụ thể và đã dày công nghiên cứu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn Đá Chông, Ba Vì (Hà Nội) và trực tiếp đến để quan sát, đánh giá địa hình, địa vật. Người đích thân duyệt bố trí các phân khu chức năng, duyệt thiết kế kiến trúc và đến kiểm tra, động viên bộ đội, công nhân trong quá trình thi công… Chín năm kể từ ngày Người tới khánh thành năm 1960 đến lúc Người đi xa, đã có khoảng trên dưới chục lần Người ở hoặc làm việc tại khu Đá Chông, trực tiếp sử dụng căn cứ dự phòng này.
Từ Pác Bó đến Đá Chông, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc lựa chọn để xây dựng căn cứ của Trung ương, góp phần quan trọng cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện những thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
(1), (2, (3). Theo kết quả đề tài khoa học cấp Bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh, do PGS, TS Đỗ Văn Trụ làm chủ nhiệm: “Nghiên cứu và xác định khoa học di tích và địa điểm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước”, đã nghiệm thu năm 1993. Lưu kho Tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh.
(4). “Nhớ những lời Bác Hồ dạy Công an nhân dân”, An ninh thế giới Online, ngày 19-8-2016.
(5). Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 8, tr.466.
(6). Hồ Chí Minh Toàn tập, sdd. tập 8, tr.548, 549, 552.
http://www.nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-chinhtri/baothoinay-chinhtri-diemnhan/item/33954002-tam-nhin-chien-luoc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-trong-xay-dung-can-cu-trung-uong.html |
Với tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự toàn vẹn lãnh thổ, đất nước được hòa bình, độc lập, thống nhất, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho đồng bào miền Nam những tình cảm thiêng liêng cao quý nhất, miền Nam luôn đặc biệt quan trọng trong suy nghĩ, hành động của Người. Trong quá trình hoạt động cách mạng, lãnh đạo đất nước, bằng những lời lẽ cao quý nhất, trang trọng, gần gũi, giản dị và tha thiết nhất, Người đã gửi nhiều bức thư, bức điện, hay thông qua những bài nói, bài viết, trả lời phỏng vấn… để ca ngợi tinh thần bất khuất, kiên cường cũng như lòng yêu nước sâu sắc của đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp kéo vào Sài Gòn gây hấn, tái chiếm Việt Nam. Với tinh thần "độc lập hay là chết", nhân dân Nam Bộ đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai. Trước khí thế chiến đấu kiên cường, anh dũng của quân và dân Nam Bộ chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng cho quân và dân
Nhận xét
Đăng nhận xét