Chuyển đến nội dung chính

Vì sao lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn Cao Bằng làm căn cứ địa đầu tiên của Cách mạng Việt Nam

Đồng bào Pác Bó, nhân dân các dân tộc Cao Bằng vinh dự, tự hào thay mặt nhân dân cả nước đón người con ưu tú nhất của dân tộc Việt Nam - lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, sau 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, tìm đường cứu nước, cứu dân đã trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (1941). Từ đây, Pác Bó - Hà Quảng - Cao Bằng trở thành đại bản doanh của căn cứ địa Việt Bắc, trở thành chiếc nôi của cách mạng Việt Nam.
Theo GS. Phan Ngọc Liên: “Căn cứ địa cách mạng là khu vực lãnh thổ có đầy đủ các yếu tố địa lợi, nhân hòa, “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”, có cơ sở vững chắc về chính trị và quân sự, được dùng làm nơi xây dựng lực lượng cách mạng (bao gồm lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang) để từ đó phát triển rộng ra các nơi khác); là nơi cung cấp về sức mạnh vật chất, quân sự, nguồn cổ vũ về tinh thần, chính trị trong cách mạng và kháng chiến…”
Ban đầu, Nguyễn Ái Quốc có ý định từ Trung Quốc về nước theo hướng Lào Cai, Người đã cử Bùi Đức Minh, Hoàng Văn Lộc về biên giới Lào Cai nắm tình hình trong nước và đặt cơ sở liên lạc để về nước hoạt động. Nhưng qua nghiên cứu kĩ phong trào cách mạng và địa thế của Cao Bằng Người đã quyết định chọn địa bàn chiến lược trọng yếu này xây dựng thành căn cứ địa vững chắc của cả nước.
Vậy tại sao lại là Cao Bằng mà không phải là hướng nào khác? Bởi lẽ trong suy nghĩ của Người, Cao Bằng đã quy tụ được nhiều yếu tố cần thiết.
Việc Nguyễn Ái Quốc chọn Cao Bằng để về nước hoạt động và xây dựng căn cứ địa cách mạng hoàn toàn không phải là tình cờ, ngẫu nhiên mà là một sự tính toán kỹ lưỡng, liên quan tới việc phát triển phong trào cách mạng của cả nước.
Trước hết, Cao Bằng là tỉnh giáp với biên giới Trung Quốc, gần thành phố Long Châu, một trong những trung tâm cách mạng của người Việt ở Trung Quốc lúc bấy giờ.
Phía Nam của tỉnh Cao Bằng giáp với Lạng Sơn và Bắc Cạn, phía Tây giáp với Hà Giang và Tuyên Quang. Từ vị trí đó, Cao Bằng có thể “Nam tiến” phát triển về phía Lạng Sơn và Bắc Cạn, có thể “Tây tiến” xuống Hà Giang và Tuyên Quang. Theo quốc lộ 3 từ Hà Nội qua Thái Nguyên, Bắc Cạn, lên Cao Bằng (315 km). “Từ trung tâm tỉnh lỵ Cao Bằng có đường ô tô tỏa đi các huyện. Những huyện tiếp giáp biên giới như Trà Lĩnh, Phục Hòa, Trùng Khánh, Hà Quảng, Bảo Lạc… với đường biên giới dài trên 300km, có tới hàng chục cửa khẩu và hàng trăm lối mòn sang Trung Quốc, tiện lợi cho việc liên lạc quốc tế. Trong đó, đường Quảng Uyên ra Thủy Khẩu, Long Châu (Trung Quốc) trở thành con đường trọng yếu của nhân dân 2 nước vùng biên, của các chiến sĩ cách mạng đầu thế kỷ XX và phong trào giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Cao Bằng còn có quốc lộ sang Lạng Sơn, xuống Thái Nguyên rồi tỏa xuống đồng bằng Bắc Bộ, tiện lợi cho việc liên kết với các phong trào cách mạng của cả nước.
Bên cạnh đó, Cao Bằng có địa hình hiểm trở, rừng núi chiếm trên 90% diện tích, có nhiều núi cao, nhiều sông suối, lắm thác ghềnh như: sông Bằng, sông Hiến, Sông Gâm, sông Bắc Vọng… Trên mảnh đất đầy núi non, rừng rậm, sông suối đó có những vùng thuận lợi cho các đội du kích, các cơ sở cách mạng hoạt động như Pác Bó (Hà Quảng), Lam Sơn (Hòa An)… Hệ thống giao thông thủy bộ của Cao Bằng giữ vị trí quan trọng có tầm chiến lược ở Việt Bắc không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, xã hội mà cả về chính trị, quân sự.
Do quá trình kiến tạo địa chất, cùng với sự tác động của khí hậu, sông ngòi ngang, dọc làm cho địa hình Cao Bằng trở thành muôn hình, muôn vẻ. Giữa các ngọn núi và khe sâu, thung lũng lòng chảo rộng, hẹp khác nhau, hết sức kín đáo, vừa thuận lợi cho chăn nuôi, sản xuất, đời sống, vừa có tác dụng che dấu, bảo vệ lực lượng. “Khi có giặc giã thì hang động, mái đá ngườm kín đáo là nơi tốt nhất để đồng bào các dân tộc ẩn náu và cất giấu lương thực, thực phẩm, gia súc. Các làng bản miền núi thường có hang sâu hay lân, lũng làm “hậu cứ”. Có hang bí mật chỉ có một gia đình biết như hang Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng), là nơi cất giấu thóc gạo của ông Máy Lì ở Sum Đắc, gần cột mốc biên giới. Địa hình hiểm trở của núi, sông, các thung lũng, hang động, mái đá ngườm… được nhân dân ta phát huy tác dụng mạnh mẽ trong cách mạng giải phóng dân tộc và trong kháng chiến. Đó là rừng che bộ đội, rừng vây quân thù.
Hơn nữa, Cao Bằng có gần 10% diện tích đất bằng với một số cánh đồng vừa và nhỏ. Dọc theo các con sông, trên các thung lũng như: Sóc Hà, Đôn Chương, Phù Ngọc, Đồng Mu, Bó Thạch, Thạch Bình, Cổ Nồng, Thông Huề, Pò Tấu, Tiên Thành, lớn nhất là cánh đồng Hòa An, trải dài tới 20km. Xét về chiến lược kinh tế thì một căn cứ địa phải có khả năng tự cung tự cấp những nhu cầu kinh tế thiết yếu… Do vậy, đây là điều kiện rất thuận lợi để Người lựa chọn Cao Bằng là căn cứ địa cách mạng.
Trung ương Đảng và Nguyễn Ái Quốc chọn Cao Bằng làm nơi xây dựng căn cứ địa là một chủ trương hết sức đúng đắn. Bởi lẽ, Cao Bằng có đầy đủ các điều kiện cần thiết về địa thế, con người để xây dựng căn cứ địa, trong đó yếu tố con người là quyết định nhất.
Con người Cao Bằng giản dị, chân thành và chất phác, đã tin ai thì ít thay lòng đổi dạ, nên khi tiếp thu ánh sáng cách mạng của Đảng, đồng bào có một niềm tin son sắt vào thắng lợi. Đó chính là chỗ dựa vững chắc để Đảng ta xây dựng căn cứ địa.
Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa Nguyễn Ái Quốc và Hoàng Văn Nọn- một trong những đảng viên cộng sản đầu tiên của Cao Bằng trong thời gian diễn ra Đại hội VII Quốc tế Cộng sản ở Mátxcơva (7-1935) cũng đóng một vai trò nhất định trong việc Nguyễn Ái Quốc chọn Cao Bằng là nơi đầu tiên Người về nước. Qua tiếp xúc với Hoàng Văn Nọn (Hoàng Như), Nguyễn Ái Quốc hiểu thêm về phong trào cách mạng cũng như con người Cao Bằng.
Cuộc gặp gỡ giữa Nguyễn Ái Quốc và hơn 40 thanh niên Cao Bằng đang hoạt động tại Tịnh Tây (Trung Quốc) đánh dấu sự khởi đầu cho sự hình thành căn cứ địa cách mạng Việt Nam trên đất Cao Bằng. Đứng trước tình hình nóng bỏng của đất nước, Nguyễn Ái Quốc đã quyết định đưa toàn bộ những thanh niên Cao Bằng về nước để chuẩn bị lực lượng… “Đầu tháng Giêng năm 1941, Nguyễn Ái Quốc cùng các cán bộ Trung ương Đảng và nhóm thanh niên Cao Bằng rời Tịnh Tây về Cao Bằng hoạt động. Cao Bằng thực sự trở thành căn cứ địa đầu tiên của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng”.
Song yếu tố quan trọng góp phần đi đến quyết định lựa chọn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là "Cao Bằng có phong trào tốt từ trước”. Sở dĩ, Người chọn Cao Bằng làm địa bàn đầu tiên để xây dựng lực lượng cho khởi nghĩa toàn quốc là vì theo báo cáo của các đồng chí hoạt động ở trong nước, trực tiếp là theo đề nghị của Hoàng Văn Thụ thì “nhân dân Cao Bằng có trình độ giác ngộ chính trị tương đối cao và cán bộ lãnh đạo ở đây khá vững vàng”. Nhân dân Cao Bằng có truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm; đây là nơi sớm có tổ chức cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập ngày 3/2/1930, chi bộ Đảng đầu tiên của Cao Bằng thành lập sau đó ngày 1/4/1930. Cho đến cuối những năm 30 của thế kỷ XX, phong trào cách mạng ở Cao Bằng đã có những bước phát triển đáng kể. Dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương, cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là công nhân chống lại ách áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân Pháp đã tương đối phát triển và thu được nhiều kết quả.
Vì vậy, khi quyết định chọn Cao Bằng là nơi trở về Tổ quốc, tháng 10/1940, đang ở Trung Quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”.
Với nhận định, đánh giá và sự lựa chọn đúng đắn đó, sáng ngày 28-01-1941 (tức mùng 2 tết Tân Tỵ), Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí Trung ương Đảng được đồng chí Lê Quảng Ba dẫn đường rời đất Trung Quốc qua cột mốc biên giới số 108, về đến Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Sau vài ngày ở nhà ông Lý Quốc Súng, ngày 08-02-1941, Người chuyển tới hang Cốc Bó.


Tóm lại, với những tư tưởng đúng đắn, sáng tạo về căn cứ địa, cùng với tầm nhìn chiến lược, Nguyễn Ái Quốc đã phát hiện ra Cao Bằng là nơi hội tụ đủ những điều kiện cần thiết của một căn cứ địa cách mạng ở buổi ban đầu của cuộc khởi nghĩa vũ trang. Sự có mặt và hoạt động của Nguyễn Ái Quốc cùng những người đồng chí hướng, miền rừng núi Pác Bó - Cao Bằng hẻo lánh, xa xôi trở thành cái nôi đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Từ đây, những tư tưởng chỉ đạo cách mạng của Người được đưa vào thực tiễn một cách nhanh chóng, linh hoạt đã từng bước đưa cách mạng cả nước tới thành công./.Đảng bộ Cao Bằng, nhân dân Pác Bó (Cốc Bó) tự hào được đón tiếp Người. Hang Cốc Bó, lán Khuổi Nặm, núi Lam Sơn cùng những bản làng hẻo lánh ít người biết đến đã trở thành những địa danh nổi tiếng gắn liền với sự hoạt động vĩ đại của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Từ Pác Bó (đầu nguồn), Người đặt tên núi Các - Mác, suối Lênin, đó là những biểu tượng cao đẹp của thời đại. Và cũng từ đó, tư tưởng Mác - Lênin đã tỏa khắp đất nước, thức tỉnh nhân dân ta, tổ chức quần chúng đứng lên đấu tranh đập tan chế độ gông xiềng của đế quốc Pháp, Nhật. Được vũ trang bởi tư tưởng Mác - Lênin, lại được sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (với bí danh Già Thu), trong những năm 1941- 1945, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng xây dựng căn cứ địa cách mạng vững chắc, cùng đồng bào cả nước chuẩn bị lực lượng cho tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận người nô lệ trở thành người chủ nước nhà. Ngày nay, phát huy những lợi thế và truyền thống tốt đẹp của quê hương, tỉnh Cao Bằng đang ngày càng đổi thay nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Cao Bằng trở thành một trong những tỉnh gương mẫu, đi đầu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội như Bác Hồ đã có dịp căn dặn cán bộ và nhân dân Cao Bằng.
                                                                                 Tác giả: Nông Thị Xuân, Khoa KHCB

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Nam Bộ trước khi sang Pháp đàm phán, năm 1946

Với tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự toàn vẹn lãnh thổ, đất nước được hòa bình, độc lập, thống nhất, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho đồng bào miền Nam những tình cảm thiêng liêng cao quý nhất, miền Nam luôn đặc biệt quan trọng trong suy nghĩ, hành động của Người. Trong quá trình hoạt động cách mạng, lãnh đạo đất nước, bằng những lời lẽ cao quý nhất, trang trọng, gần gũi, giản dị và tha thiết nhất, Người đã gửi nhiều bức thư, bức điện, hay thông qua những bài nói, bài viết, trả lời phỏng vấn… để ca ngợi tinh thần bất khuất, kiên cường cũng như lòng yêu nước sâu sắc của đồng bào, chiến sĩ miền Nam.  Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp kéo vào Sài Gòn gây hấn, tái chiếm Việt Nam. Với tinh thần "độc lập hay là chết", nhân dân Nam Bộ đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai. Trước khí thế chiến đấu kiên cường, anh dũng của quân và dân Nam Bộ chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng cho quân và dân

Bác Hồ đến với các cháu mồ côi ở Trại Kim Đồng

Một sáng đẹp trời, Bác Hồ đã đến với các cháu Trại Kim Đồng. Ngay từ phút đặt chân đến cổng trại nhìn bờ rào dăng dây thép gai, trong mắt Bác hiện lên sự nhức nhối. Nói với các cán bộ phụ trách, giọng Bác nhẹ nhàng, nhưng vô cùng thấm thía: - Đây là nơi nuôi dạy các cháu mồ côi, được mang tên liệt sĩ Kim Đồng, sao các cô, các chú lại rào dây thép gai như nhà tù thế này ? Chú Thuận thưa: - Dạ thưa Bác, cơ ngơi của thời đại cũ để lại đấy ạ ! Bác lắc đầu: Các cô, các chú phải tháo gỡ đám dây thép gai ngay. Chế độ cũ nhóm các cháu vào đây, chúng ta tiếp tục nuôi dạy vì tương lai các cháu. Bác đi vào từng căn phòng ở, phòng ăn, phòng học, nơi các cháu vui chơi. Bác khen: “Được cái gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ, nhưng còn - Bác hỏi cán bộ phụ trách Trại - còn thế nào, các cô, các chú biết không ? Mọi người nhìn Bác, vừa xúc động vừa lúng túng. Rồi chú Thuận mạnh dạn đáp ? - Thưa Bác, các cháu ở trại còn chật chội ạ. Bác Hồ mỉm cười: - Chú nói mới đúng có một phần nhỏ thôi. Đối với các cháu

Bác Hồ với sự kiện lịch sử Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10-10-1954)

Mùa thu năm 1954, Bác Hồ với Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận và các đoàn thể từ “Thủ đô gió ngàn” Việt Bắc lại trở về giải phóng Thủ đô Hà Nội khỏi ách chiếm đóng của thực dân Pháp xâm lược; để rồi bước vào một giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam: Giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đấu tranh củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ trong cả nước, giải quyết những nhiệm vụ quan trọng từ chiến tranh chuyển sang hoà bình, tái thiết đất nước. Bác Hồ trong lễ duyệt binh ngày 1/1/1955 Trong thời điểm lịch sử bước ngoặt quan trọng này, Bác Hồ đã có nhiều cuộc họp với Trung ương và Hội đồng Chính phủ để giải quyết nhiều nhiệm vụ chính trị, quân sự, ngoại giao, an ninh, kinh tế, văn hoá, xã hội, nội vụ và tổ chức cán bộ…, đồng thời, tổ chức tiếp quản, giải phóng Thủ đô Hà Nội theo đúng Hiệp định Giơnevơ, nhanh chóng và có hiệu lực. Công tác tổ chức, bố trí cán bộ cách mạng trên cả nước được đặt ra và phải giải quyết kịp thời. Theo quyết định của Tru