Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Đảng, của cách mạng Việt Nam, người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, chiến sĩ xuất sắc của phong trào công nhân quốc tế. Tư tưởng Hồ Chí Minh là linh hồn, ngọn cờ thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Công tác tình báo, nghiên cứu địch và đánh giá kẻ thù là một bộ phận hữu cơ trong tư tưởng quân sự của Người. Hồ Chí Minh cho rằng: Muốn thành công thì phải biết trước mọi việc. Muốn biết trước mọi việc phải biết mình, biết địch! Muốn biết mình, biết địch thì phải sử dụng tình báo... Biết mình, biết địch trăm trận đều thắng.
I- NGUYỄN ÁI QUỐC - HỒ CHÍ MINH NHẬN DIỆN KẺ THÙ TỪ RẤT SỚM
Quá trình đi tìm con đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã sống và hoạt động ở ba nước thực dân đế quốc là Pháp, Anh và Mỹ, Người cũng qua nhiều nước thuộc địa và phụ thuộc, tận mắt chứng kiến tội ác của bọn thực dân đối với các dân tộc. Sau khi gửi bản Yêu sách của nhân dân Việt Nam đến Hội nghị Vécxây “không có kết quả gì hết”, Người đã viết Bản án chế độ thực dân Pháp vạch rõ: “Chủ nghĩa đế quốc hiện đại đặt nền móng trên sự bóc lột hàng triệu người lao động ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Bởi thế, nó chỉ tan rã hoàn toàn và vĩnh viễn khi nào chúng ta phá bỏ được nền móng đó của lâu đài đế quốc chủ nghĩa”1. Suốt quá trình hoạt động cách mạng sau này, Người luôn nhận rõ bản chất của chủ nghĩa thực dân.
Giai đoạn 1930-1945:
Sau 20 năm đi tìm con đường cứu nước, đến năm 1930, Người tổ chức thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thành lập Đảng đã thông qua Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt, chỉ rõ kẻ thù của cách mạng Việt Nam là chủ nghĩa đế quốc Pháp. 15 năm vận động cách mạng là 15 năm tổ chức lực lượng để tiến tới Cách mạng Tháng Tám, khi thời cơ đến. Ngày 7-5-1945, phát xít Đức đầu hàng, ngày 8-8-1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật và tấn công quân Nhật tại Mãn Châu, Trung Quốc. Ngày 13-8-1945, Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương, quyết định tổng khởi nghĩa.
Từ 1945-1954:
Đây là một giai đoạn phát triển tư tưởng, đường lối, quan điểm và phương pháp cách mạng cực kỳ quan trọng của Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn này, Người rất quan tâm đến công tác nghiên cứu và xây dựng các cơ quan nắm tình hình địch phục vụ cho Đảng, định ra các chủ trương và quyết sách chiến lược hết sức đúng đắn về đối nội, đối ngoại, về quốc phòng và quân sự để lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược “xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội và tiến hành chiến tranh giải phóng”, đánh thắng mọi kẻ thù, nhất là đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, làm rạng rỡ trang sử hào hùng của cách mạng Việt Nam thế kỷ XX.
Sau tháng 9-1945, tình hình rất phức tạp, thù trong, giặc ngoài. Thấy rõ âm mưu của địch, Hồ Chí Minh chủ trương kiên trì thương lượng với thực hiện chủ trương “hòa để tiến”, lợi dụng được mâu thuẫn Mỹ - Tưởng và Anh - Pháp để hòa hoãn với quân Tưởng ở phía Bắc và đánh Pháp ở phía Nam, lợi dụng mâu thuẫn giữa Pháp và Tưởng để hòa hoãn với Pháp, gạt 20 vạn quân Tưởng ra khỏi miền Bắc; gạt Tưởng lúc đó chính là gạt đế quốc Mỹ để chấp nhận đánh với thực dân Pháp.
Thực vậy, ký Hiệp ước 6-3-1946, kế đó là Tạm ước 14-9 là để kéo dài thời gian cho Nam Bộ và cả nước chuẩn bị toàn quốc kháng chiến, tức là hiểu địch, hiểu ta để có quyết sách đúng, phân hóa kẻ thù, thoát ra khỏi tình thế cô lập, giành chủ động, tập trung chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến.
Tháng 2-1947, tại Hội nghị quân sự, Hồ Chí Minh chủ trương: bảo toàn chủ lực để đánh lâu dài và Người nêu lên quan điểm “dân bám đất, cán bộ bám dân, bộ đội bám địch”. Người nói: Địch muốn dùng cách đánh mau, thắng mau, ta dùng chiến lược trường kỳ kháng chiến. Ta dùng chiến thuật du kích, để làm cho địch hao mòn, cho đến ngày tổng phản công, để quét sạch lũ chúng. Tháng 4-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lên Việt Bắc, Người dự kiến quân Pháp sẽ đánh rộng ra và hủy diệt các cơ quan đầu não kháng chiến. Đến tháng 10-1947, quân Pháp bất ngờ nhảy dù xuống Bắc Kạn, bủa vây, lùng sục, truy tìm Chủ tịch Hồ Chí Minh và cơ quan lãnh đạo kháng chiến. Chúng đã thất bại vì chỉ thấy “vườn không nhà trống”, chiến tranh chớp nhoáng của thực dân Pháp hoàn toàn phá sản sau 40 ngày tiến công. Hồ Chí Minh phân tích về địch: “Địch mạnh về gọng kìm, gọng kìm mà gãy thì các ô cụp xuống thành ô rách”.
Tháng 4-1949, trong khi Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tiến xuống Hoa Nam, theo đề nghị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã quyết định dùng bộ đội Quân khu Việt Bắc, bộ đội địa phương tỉnh Lạng Sơn và Hải Ninh, trong đó có lực lượng quân báo trinh sát của Cục Tình báo tham gia chiến dịch “Thập vạn đại sơn”. Mùa xuân năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Liên Xô, gặp đại biểu Đảng Cộng sản Pháp và nhiều tổ chức quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của cách mạng thế giới với cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Từ đây, cuộc kháng chiến của nhân dân ta được tiếp thêm sức mạnh của cách mạng thế giới, chuyển sang phản công và tiến công, thực hiện quyết chiến chiến lược.
Liên tiếp các năm sau đó, chúng ta đại thắng chiến dịch Đông Xuân 1950-1951 ở Cao - Bắc - Lạng, giải phóng một vùng biên giới rộng lớn, căn cứ địa Việt Bắc được củng cố. Hậu phương kháng chiến của ta nối liền với Trung Quốc, Liên Xô... Hồ Chí Minh nhận định: “Tình trạng của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam giống như tình trạng của một người cưỡi trên lưng một con hổ. Xuống chăng? Sẽ bị ăn thịt. Đừng xuống chăng? Bị ăn thịt mất thôi”2. Tuyệt vọng, thực dân Pháp cầu cứu Mỹ.
Đúng như dự kiến, tháng 12-1950, Chính phủ Pháp cử tướng Đờlát Đờtátxinhi, Tư lệnh lục quân khối Tây sang làm Tổng chỉ huy kiêm Cao ủy Pháp ở Đông Dương, ký với Mỹ hiệp định viện trợ quân sự của Mỹ cho cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương, thực hiện chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”, tổ chức phản công hòng giành lại quyền chủ động chiến lược đã mất.
Sau chiến thắng ở Hòa Bình, ngày 14-10-1952, ta mở chiến dịch Tây Bắc giành thắng lợi, giải phóng một vùng rộng lớn từ Mộc Châu đến Điện Biên Phủ, đồng thời đánh bại cuộc hành quân của địch ở Phú Thọ, Tuyên Quang, giúp bộ đội Pathét Lào giải phóng toàn bộ tỉnh Sầm Nưa và một phần tỉnh Phong Sa Lỳ. Hồ Chí Minh nhận định: “Một thế tiến công mới hết sức thuận lợi cho nhân dân ba nước Đông Dương” và giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”3.
Tháng 4-1953, để chuẩn bị cho chiến cuộc Đông Xuân, Hồ Chí Minh đã nhận định về thực dân Pháp: “Hoặc là thắng nhanh hoặc phải chịu thua, hoặc để Mỹ nhảy vào thay thế. Chính phủ Pháp chủ trương xin thêm viện trợ của Mỹ tập trung mọi cố gắng đẩy mạnh chiến tranh, hòng tìm lối thoát bằng thắng lợi quân sự”.
Đến tháng 5-1953, tướng Nava, Tham mưu trưởng lục quân của Khối Bắc Đại Tây Dương được cử sang làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, vạch ra Kế hoạch Nava 18 tháng hòng chuyển bại thành thắng. Với sự phân tích toàn diện về tình hình quân sự của Pháp và can thiệp Mỹ, khả năng của ta lúc đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng quyết định hướng tấn công chiến lược của ta là “Tây Bắc Việt Nam”. Nguyên tắc chỉ đạo tác chiến là: “Đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt, chọn nơi địch sơ hở mà đánh, chọn nơi địch tương đối yếu mà đánh. Phương châm hành động là: “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt...”. Đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sau nhiều lần phát hiện âm mưu, ý đồ chiến lược của Pháp, khả năng can thiệp của Mỹ và phân tích, so sánh, đánh giá tương quan giữa lực lượng ta và địch, ta đã quyết định chuyển từ phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là một quyết định sáng suốt, chính xác, kiên quyết, kịp thời, bảo đảm thắng lợi to lớn cho chiến dịch.
Giai đoạn 1954-1969:
Lịch sử đặt ra trong giai đoạn này trước Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam nhiệm vụ trọng đại là vạch ra đường lối chiến lược cách mạng mới và phương pháp đấu tranh mới, xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam Việt Nam, thống nhất Tổ quốc.
Về địch, tại Hội nghị Trung ương 6, Hồ Chí Minh cho rằng: Mỹ không những là kẻ thù của nhân dân thế giới, mà Mỹ đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp đối với nhân dân Việt - Miên - Lào. Đến Hội nghị Trung ương 8, Người nhận định: đế quốc Mỹ đã trở thành kẻ thù đầu sỏ và nguy hiểm nhất của nhân dân ta.
Về ta, Người nhấn mạnh: “Miền Bắc là cái nền, cái gốc của cuộc đấu tranh hoàn thành giải phóng dân tộc, thực hiện thống nhất nước nhà”4.
Đặc biệt từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn luôn theo dõi mọi diễn biến tình hình miền Nam để xác định nhiệm vụ và phương châm đấu tranh của cách mạng miền Nam, nhiệm vụ quân sự chung của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong tình thế mới và bảo đảm xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc. Đặc biệt là chỉ đạo nắm tình hình Mỹ -ngụy, dự kiến chính xác về âm mưu, ý đồ, khả năng của đế quốc Mỹ phá Hiệp định Giơnevơ, tiến hành chiến tranh đặc biệt, chiến tranh phá hoại miền Bắc, âm mưu mở rộng chiến tranh.
Tháng 3-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt, Người nói: “Mỹ và tay sai đã đến bước đường cùng, chúng càng đánh càng thua, càng thua càng bí. Nếu chúng liều lĩnh động đến miền Bắc thì nhất định sẽ thất bại thảm hại”5 và Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi nhân dân miền Bắc sẵn sàng đập tan mọi hành động khiêu khích phá hoại của đế quốc Mỹ. Đến tháng 8-1964, chính quyền Giônxơn dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” dùng không quân đánh phá miền Bắc. Tháng 9-1964, Bộ Chính trị họp và quyết định: miền Bắc chuẩn bị chuyển sang thời chiến, đẩy mạnh hoạt động của bộ đội ở miền Nam giành một bước thắng lợi quyết định”. Quân ủy Trung ương mở hội nghị quân sự để nghiên cứu chiến lược quân sự của Đảng trong tình thế mới và lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh để đối phó mọi tình huống chiến tranh cục bộ ở miền Nam và cả miền Bắc.
Tháng 3-1965, cùng với cuộc “leo thang” đánh phá miền Bắc bằng không quân, hải quân, các lữ đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ vào Chu Lai. Hội nghị Trung ương họp, Hồ Chí Minh xác định: Miền Bắc là hậu phương lớn, miền Nam là tiền tuyến lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cả nước sẵn sàng đối phó với chiến tranh cục bộ do đế quốc Mỹ gây ra.
Tháng 12-1965, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 12, Hồ Chí Minh khẳng định: “Mặc dù đế quốc Mỹ đưa vào miền Nam hàng chục vạn quân viễn chinh nhưng so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch vẫn không thay đổi...”. Người còn chỉ rõ: “Phải tính mặt nghịch, mặt khó khăn do địch gây ra, đồng thời phải thấy Mỹ cũng khó khăn không phải muốn làm gì thì làm”. Người đã dự đoán địch sẽ bịt hành lang đi vào miền Nam và đánh vào Hà Nội, Hải Phòng. Người còn phân tích cả những vấn đề rất cụ thể: Đời sống của 1 tên lính Mỹ, nào bánh, thịt, thuốc lá, kẹo cao su đủ thứ, so với 1 tên lính ngụy tốn gấp 15 lần... Lính Mỹ to xác, trang bị đủ thứ, kềnh càng, nặng nề còn quân của ta tuy nhỏ bé nhưng rất nhanh nhẹn... Ta thấy chỗ mạnh của nó nhưng ta phải biết những khuyết điểm của nó rất lớn, rất cơ bản.
Từ giữa năm 1966 đến năm 1968, địch mở cuộc phản công chiến lược ở miền Nam thực hiện “chiến lược tìm diệt và bình định” ở miền Nam, đồng thời đánh phá Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ? Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”6. Người còn chỉ rõ: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ sẽ đưa B.52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới thua”. Bộ Chính trị chủ trương mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt vào dịp Tết Mậu Thân nhằm giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Hồ Chí Minh đã khẳng định quyết tâm sắt đá: “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”7. Trong thư chúc mừng năm mới 1969, Người viết: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”8 thể hiện toàn bộ tư tưởng của Người về đánh giá kẻ thù, đề ra phương sách giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc Việt Nam.
Thực vậy, thực tiễn 30 năm kháng chiến oanh liệt và thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đường lối kháng chiến của Đảng xây dựng trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn. Các chủ trương, quyết sách chiến lược hết sức chính xác, trong đó cốt lõi quan trọng xuyên suốt là phải nắm chắc tình hình, vận dụng các tri thức và khoa học trong đánh giá chính xác tình hình địch - ta, bạn - thù. “Ta biết rõ địch thì thắng. Nếu để địch biết rõ ta thì sẽ thất bại”9. Đó vừa là quan điểm tư tưởng quân sự của Bác “quyết đánh, biết đánh và biết thắng”, đồng thời là nghệ thuật dựng nước và giữ nước mà cốt lõi của nó là “biết mình, biết địch trăm trận đều thắng”.
II- HỒ CHÍ MINH TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU ĐÁNH GIÁ KẺ THÙ
1. Xác định vị trí, chức năng nhiệm vụ công tác nắm địch của Đảng nói chung và ngành tình báo Việt Nam nói riêng
Trong giai đoạn chuẩn bị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Hồ Chí Minh đã chăm lo ngay đến công tác tình báo. Đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam là người đầu tiên đảm nhận công tác này. Người căn dặn đồng chí Hoàng Văn Thái: Tổ chức, huấn luyện quân đội cho giỏi, tổ chức nắm địch, nắm ta rõ ràng, bày mưu kế khôn khéo, tổ chức chỉ huy thống nhất, bí mật, nhanh chóng, kịp thời, chính xác để đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ cách mạng. Trong quá trình lãnh đạo hai cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp, thường xuyên chỉ đạo và quan tâm săn sóc, dạy bảo ngành tình báo, đã hai lần đến thăm, ba lần gửi thư cho Hội nghị Tình báo toàn quốc. Người chỉ thị như sau:
“Tình báo là tai mắt của Đảng, của quân đội, trách nhiệm của nó rất quan trọng. Binh pháp nói: Biết mình, biết địch, trăm trận đều thắng. Muốn biết địch thì phải có tình báo giỏi. Muốn khỏi địch biết ta cũng phải có tình báo giỏi”.
“Tình báo là tai mắt. Tai phải tỏ, mắt phải sáng thì đầu óc định kế hoạch mới đúng. Đầu óc định đúng thì chân tay hành động mới kịp thời.
Tai mắt sáng tỏ, kế hoạch sát đúng, hành động kịp thời thì ta nhất định thắng địch”.
Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài và là người thầy của ngành tình báo Việt Nam. Những lời dạy bảo của Người luôn luôn là ngọn đuốc và kim chỉ nam cho mọi hành động của ngành như Người khẳng định: “Bây giờ đúng và mãi mãi sau này vẫn đúng”.
Ngành tình báo quân sự trước đây và ngành tình báo quốc phòng hiện nay vẫn luôn luôn phấn đấu làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xứng đáng là lực lượng chuyên trách của Đảng, Chính phủ, quân đội và nhân dân, làm “tai mắt” về đánh giá kẻ thù, góp phần tích cực vào sự nghiệp chung của Đảng, của quân đội trong dựng nước và giữ nước thời gian vừa qua và hiện nay.
2. Hồ Chí Minh coi công tác nắm địch, công tác tình báo là một khoa học
Công tác khoa học biểu hiện việc tổ chức điều tra, thu thập tin tức, số liệu; về phân tích tình hình và sự việc; về nghiên cứu tổng hợp; về phán đoán và kết luận tình hình... Thực vậy, riêng công tác tình báo, Hồ Chí Minh nói: “Đó là một công tác khoa học, cần chịu khó, luôn luôn điều tra nghiên cứu, học tập. Phải bí mật, khôn khéo, cẩn thận, kiên nhẫn. Phải tránh bệnh chủ quan, khinh địch, hiếu danh, cá nhân chủ nghĩa. Tình báo không thể tách rời khỏi chính trị, đạo đức với chuyên môn...”.
Đó là công tác khoa học và điều tra nghiên cứu địch một cách toàn diện trên mọi lĩnh vực, không tách rời tình hình quốc tế với tình hình khu vực và tại chỗ, chiến lược với chiến dịch, chiến thuật, quân sự với chính trị, kinh tế, ngoại giao...
Đó là việc tư duy trí tuệ thông qua sự phân tích, phán đoán theo các quan điểm của Đảng về giai cấp và đấu tranh giai cấp, quan điểm thực tiễn, quan điểm quần chúng, quan điểm phát triển, không duy ý chí, ảo tưởng mà hết sức khoa học, có định hướng, đúng phương châm, phương pháp trong tổ chức nghiên cứu đánh giá địch bảo đảm chính xác, kịp thời, liên tục đồng thời phải hết sức mưu lược, nhạy bén, thể hiện tinh thần liên tục và kiên quyết tiến công địch. Đặc biệt thấy rõ cái mạnh, yếu, ưu, nhược điểm của địch, đồng thời thấy rõ thuận lợi, khó khăn của ta để từ đó tìm cách “biết đánh” và “biết thắng”.
Rõ ràng với trí tuệ tuyệt vời của Hồ Chí Minh, với tầm nhìn xa trông rộng, vừa bao quát vừa cụ thể, với lòng nhiệt huyết rất mực vì sự nghiệp cách mạng, Hồ Chí Minh là Người luôn luôn đoán xét trước mọi việc, đặc biệt trong công tác đánh giá địch. Phương pháp luận của Người là “nghiên cứu địch để đánh thắng địch”.
3. Hồ Chí Minh kết hợp giữa biết ta và biết địch tức là nắm địch và nắm ta
Nắm địch để biết địch và từ đó xác định về ta, nắm ta để bảo vệ ta và để tính toán sức mình, tìm ra cách đánh địch. Đó là hai tổ chức và lực lượng trong một cuộc đấu tranh giai cấp đối địch sinh tử, một cuộc đọ sức một mất một còn trên các mặt trận, kể cả trong chiến tranh. Cuối cùng là “biết địch biết ta” để “quyết đánh, biết đánh và biết thắng” kẻ thù. Quan điểm đó của Hồ Chí Minh trong “biết địch, biết ta” được thể hiện ở việc hoạch định đường lối cách mạng và đường lối chiến tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam. Người đã cùng Đảng dày công nghiên cứu đường lối và phương pháp chiến tranh cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, đó là sự liên minh chiến đấu giữa ta và bạn, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại để đánh giặc và bảo vệ Tổ quốc; đó là kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, kinh tế, ngoại giao. Đó là quan điểm tự lực, tự cường, lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít thắng nhiều, lấy chất lượng thắng số lượng, lấy chính nghĩa thắng bạo tàn, liên tục tiến công địch, vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng trưởng thành, v.v.. Đó còn là tính toán, đón thời cơ và vận hội, vượt nguy cơ và thách thức, quyết đoán mọi hành động cách mạng, giữ vững nguyên tắc về chiến lược và mềm dẻo trong sách lược, thêm bạn bớt thù, phát huy cao độ trí thông minh và lòng dũng cảm của nhân dân trong chiến đấu chống kẻ thù, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
4. Xác định và đánh giá kẻ thù là yếu tố quan trọng và then chốt nhất để định ra đường lối chiến lược chiến tranh cách mạng cũng như trong đấu tranh dựng nước và giữ nước
Qua các giai đoạn cách mạng và kháng chiến, Hồ Chí Minh luôn luôn chỉ rõ kẻ thù của giai cấp vô sản quốc tế, của chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới và kẻ thù trực tiếp của cách mạng và nhân dân Việt Nam. Người còn phân tích kẻ thù cơ bản, lâu dài và trước mắt, kẻ thù nguy hiểm đầu sỏ và trực tiếp, để nhân dân và quân đội ta vừa quán triệt thống nhất nhận thức vừa có chủ trương, đường lối, chiến lược, biện pháp và sách lược đấu tranh đúng đắn, cương quyết giữ vững mục tiêu, lý tưởng “Độc lập, tự do và xã hội chủ nghĩa”; vạch trần bộ mặt hiếu chiến xâm lược của bọn đế quốc, thực dân và các thủ đoạn tàn bạo của chúng, vạch trần bộ mặt phản dân, phản nước của bè lũ tay sai; phát động tinh thần dân tộc giai cấp, lòng căm thù sục sôi của toàn dân đánh giặc để giành thắng lợi.
Hồ Chí Minh phân tích kẻ thù để thấy rõ bản chất, âm mưu và khả năng của chúng, không những chỉ rõ âm mưu, ý đồ chiến lược mà còn đi sâu vào kế hoạch, biện pháp, thủ đoạn cụ thể. Người cho rằng: Sức mạnh của địch là trang bị vũ khí kỹ thuật, là tiềm lực quân sự, là cuộc chiến tranh hiện đại, là tiền của giàu có hơn ta, là đội quân nhà nghề. Song chúng có nhiều chỗ yếu cơ bản về chính trị, tư tưởng, chiến tranh phi nghĩa xâm lược, đội quân viễn chinh kềnh càng, nặng nề. Sức mạnh của chúng không phải là vô tận.
Hồ Chí Minh rất chú trọng vào những thời điểm bước ngoặt, những thời cơ và vận hội, những lúc khó khăn và thử thách, bình tĩnh suy xét, không chủ quan, không nôn nóng vội vàng, thắng không kiêu, bại không nản, luôn luôn đánh giá địch một cách hết sức khách quan, vừa nhìn nhận kẻ thù vừa lượng sức của ta để quyết đoán các hành động cách mạng, không bao giờ lùi bước trước sức mạnh và hăm dọa của kẻ thù.
Hồ Chí Minh khẳng định sức mạnh của nhân dân ta là vô địch, “khi một dân tộc đã đoàn kết nhất trí đấu tranh giành độc lập, tự do thì nhất định thắng”. Khi chúng ta huy động được mọi tiềm năng và sức mạnh tổng hợp, lấy “dân làm gốc”; tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân, huy động toàn dân đánh giặc thì nhất định sẽ thắng địch.
“Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” thể hiện đỉnh cao về nghệ thuật đánh giặc, phản ánh tư tưởng chiến lược cách mạng và chiến lược quân sự của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, việc phân tích, đánh giá kẻ thù theo tư tưởng Hồ Chí Minh có một ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.
Nguồn: Học viện Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Tư tưởng Hồ Chí Minh về dựng nước và giữ nước,
Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr.113-126.
Nhận xét
Đăng nhận xét