Suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng Bác Hồ đã dành tình thương yêu và sự quan tâm đặc biệt cho trẻ em. Tình thương đó bắt nguồn từ lý tưởng: Suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người, mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Sự quan tâm đặc biệt của Người dành cho trẻ em còn bắt nguồn từ tầm nhìn xa trong chiến lược con người:
“Vì lợi ích trăm năm ta phải trồng cây
Vì lợi ích trăm năm ta phải trồng người”
Bác Hồ chung vui với các em nhỏ trong ngày Quốc tế thiếu nhi (năm 1969). Nguồn: tuyengiao.vn
|
Dù ở căn cứ kháng chiến trong núi rừng Việt Bắc cũng như khi đã về Hà Nội, hàng năm Bác đều gửi thư gửi cho các cháu thiếu niên nhi đồng vào dịp Tết Trung thu hoặc ngày khai trường. “… Non sông việt nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em…” Nhân dịp kỉ niệm 20 năm ngày thành lập Đội thiếu niên tiền phong (15/5/1941 - 15/5/1961), Bác đã có thư gửi Thiếu niên nhi đồng toàn quốc đăng trên báo Nhân dân số 2610 ngày 14/5/1961. Trong thư Bác đã đề ra 5 điều cho các cháu thực hiện.
Đội Thiếu niên tiền phong (TNTP) Hồ Chí Minh được thành lập theo nhu cầu tất yếu của lịch sử đất nước. Ngày 15/5/1941, Đội Nhi đồng cứu quốc ra đời nhằm tập hợp thiếu nhi vào một tổ chức thống nhất từ Trung ương đến địa phương dưới sự hướng dẫn, phụ trách của Đoàn Thanh niên, giáo dục các em theo tinh thần cách mạng và coi các em là một lực lượng cách mạng. Việc thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh còn có tầm quan trọng vì tập hợp các em trong cùng độ tuổi thiếu niên nhi đồng, như vậy các em có cùng chung về mặt tâm lí, yêu thích hoạt động cùng nhau học hỏi, được rèn luyện và trưởng thành. Trên tinh thần “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ” và cũng là phù hợp với lứa tuổi, Đội Nhi đồng cứu quốc có nhiệm vụ: Làm giao thông liên lạc, canh gác bảo vệ các cuộc họp của Đảng, là lực lượng dự bị đánh Tây đuổi Nhật. Ngày 15/5/1941 trở thành mốc son sáng chói trong lịch sử vẻ vang của Đội TNTP Hồ Chí Minh.
Lớn mạnh cùng lịch sử dân tộc, tổ chức Đội đã từng bước được xây dựng và phát triển, đã có nhiều gương chiến đấu hi sinh dũng cảm của thiếu nhi mãi mãi làm đẹp trang sử Đội ta. Tháng 2 năm 1948, Bác Hồ gửi thư cho các cháu nói về nội dung, ý nghĩa và cách tổ chức “Phong trào Trần Quốc Toản” nhằm động viên khuyến khích thiếu nhi thi đua học tập và giúp đỡ đồng bào, trước hết là các gia đình bộ đội, neo đơn, thương binh, liệt sĩ... Phong trào nhanh chóng phát triển rộng khắp. Như vậy, sau những năm kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ, hi sinh, tổ chức Đội đã thực sự trưởng thành về mọi mặt với bao chiến công. Nhiều tập thể của đội viên đã được khen thưởng, xứng đáng với niềm tin yêu sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Bác Hồ và nhân dân.
Trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong, (15/5/1941 - 15/5/1961) Bác gửi thư chúc mừng và ân cần động viên các em Bác viết: Trong thời kỳ qua, từ Bắc đến Nam, thiếu niên và nhi đồng đã hăng hái tham gia cách mạng và kháng chiến, có những thiếu niên và nhi đồng đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc, như Kim Đồng, Lê Văn Tám và nhiều cháu khác. Từ ngày hòa bình trở lại, ở miền Bắc có Đảng lãnh đạo, có Đoàn giúp đỡ, các cháu đều chăm chỉ học hành, tham gia lao động, cháu nào cũng ngoan. Bác vui lòng khen ngợi các cháu. Cũng ngay trong lá thư này, Bác ân cần nhắc nhở thiếu niên nhi đồng: “Mai sau, các cháu sẽ là người chủ của nước nhà. Cho nên ngay từ rày, các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Vâng lời Bác, đội viên thiếu niên tiền phong đã không ngừng tu dưỡng và rèn luyện, tích cực xây dựng tổ chức đội góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp cách mạng của đất nước như: Phong trào “Trần Quốc Toản” do Bác Hồ phát động năm 1948, phong trào “Vì miền Nam ruột thịt”, “Việc nhỏ, chí lớn, chống Mỹ cứu nước”, “Làm nhiều việc tốt thực hiện Năm điều Bác Hồ dạy”. Từ đó đã có nhiều tập thể và cá nhân đội viên giành danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”, trong đó có những đội viên trở thành dũng sĩ diệt Mỹ, diệt ngụy như: Hồ Thị Thu... hay các anh hùng thiếu nhi quên thân mình hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng xóm làng như: Trần Văn Thọ, Nguyễn Bá Ngọc, Trần Văn Uẩn...Từ những tấm gương đã đi vào lịch sử, trong nhiều năm qua, các phong trào và hoạt động của đội luôn gắn liền với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, với mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh. Đội đã tổ chức các hoạt động giáo dục tạo cho thiếu niên nhi đồng biết vượt khó để học tập tốt, yêu khoa hoc, yêu lao động, biết tiết kiệm, biết giữ gìn vệ sinh... Từ các phong trào được xây dựng thời kỳ đầu như: Phong trào “Kế hoạch nhỏ” (1958) để tiết kiệm làm ra của cải vật chất xây dựng Nhà máy nhựa Thiếu niên Tiền phong đến năm 1959 đi vào hoạt động, Đoàn tàu lửa chạy trên tuyến đường sát Thống Nhất (1979), Khách sạn Khăn quàng đỏ (1987) đã xây dựng nhiều cơ sở vật chất, phong trào văn hóa cho thiếu nhi và xã hội: Phong trào xây dựng Hợp tác xã Măng non, lập các quỹ “Hỗ trợ tài năng trẻ”, “Vì bạn nghèo” rồi đến các phong trào “Nghìn việc tốt”, “Nói lời hay làm việc tốt” “Áo lụa tặng bà”...Những hoạt động đó giáo dục các em lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc và con người Việt Nam.
Chặng đường 77 năm qua, hào khí truyền thống và những trang sử vang dội của Đội TNTP Hồ Chí Minh ngày càng tỏa sáng. Lịch sử và truyền thống ấy luôn gắn liền với phong trào thiếu nhi Việt Nam và trở thành một bộ phận không thể tách rời trong lịch sử của Đảng, của Đoàn Thanh niên và dân tộc...
Bước vào thế kỷ mới - thế kỷ của sự phát triển vượt bậc về khoa học công nghệ và quá trình hội nhập nền kinh tế quốc tế của đất nước, Đội TNTP Hồ Chí Minh hiểu được vai trò và nhiệm vụ của mình đã không ngừng nỗ lực vươn lên với những bước phát triển vượt bậc số đội viên được tăng lên hàng năm, số lượng tổng phụ trách và cán bộ phụ trách tận tụy, được đào tạo chuyên sâu có đủ năng lực để hoạt động trong các cơ sở Đội, Nhà thiếu nhi... Bên cạnh đó, trong những năm gần đây công tác xây dựng Đội đã có những biến chuyển tích cực: Đội ngũ phụ trách thiếu nhi được tăng cường cả về chất lượng và nội dung sinh hoạt phù hợp với nhu cầu của thiếu nhi, tổ chức sinh hoạt đội thường xuyên và liên tục gắn kết hoạt động từ trong công tác nhà trường với địa bàn dân phố nơi các em sinh sống, từ đó quan tâm chăm lo bồi dưỡng những đội viên ưu tú cho Đoàn thiết thực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
PHẠM THỊ THÚY AN - Chuyên viên Ban Tuyên giáo Quận ủy
Nhận xét
Đăng nhận xét